Giải đáp: Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối có nguy hiểm không?

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ rất phổ biến, gặp ở khoảng 97% phụ nữ giai đoạn này. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều mẹ bầu mệt mỏi, lo lắng và không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi không. Vậy nguyên nhân gây mất ngủ tháng cuối là gì, có nguy hiểm không và cách khắc phục như thế nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối

Phụ nữ mang thai phải đối mặt với rất nhiều thay đổi trong sinh hoạt, một trong số đó là đồng hồ sinh học cơ thể bị ảnh hưởng. Phụ nữ giai đoạn đầu thai kỳ, giữa thai kỳ hay 3 tháng cuối thai kỳ đều có thể gặp tình trạng khó ngủ nhưng tình trạng khó ngủ khi mang thai 3 tháng cuối là phổ biến nhất, gây ám ảnh và dễ khiến mẹ bầu mệt mỏi hơn cả.

ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ rất phổ biến, gặp ở khoảng 97% phụ nữ giai đoạn này

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối, phổ biến nhất là:

  • Hồi hộp, lo lắng: Mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ thường lo lắng không biết con chào đời sẽ thế nào, có khỏe mạnh không hay không biết mình sinh nở có thuận lợi không… Chính những lo lắng, háo hức về cuối giai đoạn thai kỳ này là yếu tố chính tác động đến giấc ngủ của mẹ bầu, gây khó ngủ khi mang thai tháng cuối.
  • Co thắt bắp chân, đùi: Giai đoạn mang thai, cân nặng của mẹ bầu tăng nhiều gâp áp lực đến cơ bắp ở chân và đùi. Vì vậy, những mẹ bầu tăng đến 15 – 20 cân trong quá trình mang thai rất hay bị mỏi, đau bắp chân. Những cơn đau này xuất hiện nhiều về ban đêm cũng là nguyên nhân khiến bà bầu 3 tháng cuối bị mất ngủ.
  • Sự phát triển của thai nhi: Thai nhi 3 tháng cuối phát triển rất nhanh, gây tác động đến cơ hoành khiến mẹ bầu cử động khó khăn hơn. Bất kì tư thế ngủ nào cũng làm họ cảm thấy chưa an tâm và khó chịu, dẫn đến trằn trọc khó ngủ. Chưa kể đến ở giai đoạn này, bé thường đạp, xoay chuyển nhiều hơn trong bụng mẹ cũng khiến mẹ bầu mất ngủ nhiều hơn.
  • Tiểu đêm nhiều lần: Trong quá trình mang thai, bàng quang bị tử cung chèn ép khiến khả năng chứa nước tiểu bị giảm sút. Chính vì vậy, mẹ bầu hay có cảm giác buồn tiểu nhiều và cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Ợ hơi, táo bón: Quá trình phát triển thai nhi 3 tháng cuối diễn ra rất nhanh, ảnh hưởng đến dạ dày. Kết quả là thức ăn bị giữ ở đây lâu hơn và mẹ bầu cũng dễ bị ợ hơi hơn. Tình trạng bụng khó chịu, ọc ạch cũng là một trong những nguyên nhân rất phổ biến gây mất ngủ ở phụ nữ mang thai cuối thai kỳ.
  • Nhịp tim tăng: Thai nhi càng lớn thì tim của mẹ bầu càng phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đến dạ con. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mỗi ngày.

Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối có nguy hiểm không? Khi nào cần đi khám?

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người, giúp thiết lập lại hoạt động cơ thể sau một ngày mệt mỏi. Mẹ bầu mất ngủ 3 tháng cuối không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn có thể ảnh hưởng đến cả sự phát triển của thai nhi trong bụng. Vì vậy, mẹ bầu hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn hướng điều trị (nếu cần thiết) khi gặp phải tình trạng này.

Hậu quả mất ngủ khi mang thai 3 tháng cuối đối với mẹ bầu:

  • Bà bầu bị mất ngủ 3 tháng cuối khiến cơ thể mệt mỏi uể oải, kiệt sức: Như đã đề cập ở trên, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng thiết lập trạng thái khỏe mạnh của cơ thể và trí não. Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên, nhất là tình trạng mất ngủ khi mang thai tháng cuối khiến mẹ bầu dễ cáu giận, mệt mỏi, chán ăn, ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể.
  • Khó sinh: Nhiều nghiên cứu chỉ ra mất ngủ ở bà bầu 3 tháng cuối khiến việc sinh nở gặp khó khăn hơn bình thường. Những phụ nữ ngủ ít hơn 5- 6 tiếng/ ngày dễ phải sinh mổ, quá trình sinh con cũng lâu hơn những mẹ bầu ngủ đủ giấc.
  • Gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý: Trầm cảm, suy nhược cơ thể, rối loạn huyết áp… là những nguy cơ về sức khỏe mà bà bầu bị mất ngủ 3 tháng cuối dễ phải đối mặt.
ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi

Bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối dễ khiến thai nhi:

  • Chậm phát triển về trí não: Giấc ngủ không đảm bảo khiến hormone thùy trước tuyến yên tăng trưởng, ảnh hưởng đến cân nặng cũng như phát triển trí não của con.
  • Gắt khi ngủ, hay hờn: Tâm lý của mẹ bầu tác động rất nhiều đến tính cách của trẻ. Mẹ bầu mất ngủ cả đêm hay cáu gắt, lo lắng cũng dễ khiến con sinh ra hay hờn khóc, quấy đêm…
  • Thiếu máu: Nếu bị mất ngủ tầm từ 23h đêm đến 3h sáng thì trẻ sinh ra rất dễ bị thiếu máu, thiếu chất. Tình trạng khó ngủ mang thai tháng cuối càng khiến sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Phương pháp chữa mất ngủ cho bà bầu 3 tháng cuối

Bà bầu mất ngủ là chuyện bình thường nhưng nếu không được để ý, điều trị thuyên giảm đúng cách sẽ gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Chính vì vậy, điều trị chứng mất ngủ an toàn, không ảnh hưởng đến phát triển thai nhi được rất nhiều mẹ bầu quan tâm.

Nếu gặp phải tình trạng mất ngủ, mẹ bầu có thể tham khảo một số cách sau:

Nằm nghiêng người về bên trái

Tư thế ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu cũng như sức khỏe thai nhi. Tư thế nằm nghiêng người bên trái không chỉ giúp mẹ bầu dễ thở hơn, hỗ trợ tốt nhất cho quá trình lưu thông máu mà còn tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan. Mẹ bầu có thể kê một chiếc gối mỏng, mềm phía trước và sau người để giảm trọng lượng của bụng, tạo tư thế thoải mái nhất khi ngủ.

ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Tư thế ngủ nghiêng trái bà bầu nên áp dụng

Thực tế, không phải lúc nào mẹ bầu cũng có thể nằm nghiêng người một bên, vẫn sẽ có lúc trở mình nhưng nhất định mẹ nên tập nằm nghiêng bên trái nhiều hơn.

Hạn chế uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ

Uống nhiều nước tốt cho cơ thể nhưng mẹ bầu không nên uống quá nhiều vào buổi tối, nhất là trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng. Vì thực tế, những tháng cuối thai kỳ bàng quang mẹ bầu bị chèn ép, không thể chứa nhiều nước tiểu nên nếu uống nhiều nước, mẹ sẽ phải đi tiểu liên tục. Việc này khiến giấc ngủ của mẹ bầu bị chập chờn, khi tỉnh dậy đi tiểu sẽ rất khó ngủ lại.

ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Bà bầu không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ

Ngâm chân nước ấm kết hợp massage nhẹ nhàng

Ngâm chân kết hợp massage nhẹ nhàng trước khi ngủ là phương pháp chữa mất ngủ được rất nhiều mẹ bầu lựa chọn. Đơn giản vì chúng dễ thực hiện, an toàn và đem lại hiệu quả cao. Phương pháp này giúp mẹ bầu giảm thiểu các triệu chứng đau nhức, sưng phù chân từ đó đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn cũng như ngủ ngon giấc hơn. Ngâm chân cũng giúp mẹ bầu thư giãn, giảm căng thẳng, nâng cao chất lượng giấc ngủ mỗi ngày.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị một chậu nước ấm, nhiệt độ vừa phải khoảng 40 độ C.
  • Bỏ một chút muối hạt vào chậu khuấy cho tan và để chân vào ngâm khoảng 10 phút, tới khi nước gần nguội, cơ thể thấy ấm lên.
  • Lau khô chân và massage nhẹ nhàng bàn chân, bắp chân.
ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Ngâm chân và masage nhẹ nhàng giúp mẹ bầu thư thái, ngủ ngon hơn

Chọn gối ngủ phù hợp

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại gối ngủ chuyên dụng dành riêng cho mẹ bầu. Các mẹ bầu có thể tham khảo một số loại gối như gối kê người, gối ôm hay gối toàn thân…

Nếu chỉ sử dụng gối thường, mẹ bầu nên chọn những loại gối có ruột mềm, đàn hồi và thoáng khí. Loại gối này giúp đầu, cổ được nâng đỡ tốt nhất, tránh tình trạng mỏi, đau nhức vùng cổ – gáy, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

Ở bất kì giai đoạn nào, chế độ ăn uống đều rất quan trọng với mẹ bầu, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ. Chế độ ăn uống đảm bảo, hợp lý không chỉ giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh mà còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hàng ngày.

Mẹ bầu nên chú ý một số vấn đề liên quan đến ăn uống như sau:

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm dinh dưỡng, giúp an thần như hạt sen, đậu xanh…
  • Hạn chế các loại đồ ăn nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt.
  • Tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống có cồn hay ga. Đây là những loại đồ uống chứa nhiều hóa chất không tốt cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ bầu.
  • Hạn chế các đồ ăn cay nóng để tránh tác động xấu đến hệ tiêu hóa, khiến người nóng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Chế độ ăn rất quan trọng với mẹ bầu

Một số mẹo dân gian chữa mất ngủ cho mẹ bầu

Rất nhiều bà bầu mang thai trong giai đoạn cuối thai kỳ chọn cách sử dụng những bài thuốc dân gian để trị mất ngủ. Tuy tác dụng không nhanh lập tức nhưng những bài thuốc này đảm bảo an toàn, hiệu quả lâu dài, tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé. Cụ thể như sau:

Ăn cháo hạt sen

Trong Đông Y và dân gian vẫn coi hạt sen là vị thuốc quý, có tác dụng an thần và cải thiện chứng mất ngủ rất tốt. Cố gắng ăn một bát cháo hạt sen hay uống trà sen mỗi ngày sẽ giúp mẹ bầu thư thái và ngủ ngon hơn.

Cách thực hiện dùng hạt sen chữa mất ngủ:

  • Cho ½ bát gạo đem ninh cháo nhừ cùng 1 ít hạt sen. Tùy theo sở thích mà mẹ bầu có thể ninh thêm chim bồ câu để tăng cường dưỡng chất cho cơ thể.
  • Ăn cháo khi còn ấm, tốt nhất là nên dùng vào buổi sáng hay xế chiều.

Uống nước cây xấu hổ

Dù chỉ là cây mọc dại nhưng cành cây xấu hổ (hay còn gọi là trinh nữ) được dân gian coi như thảo dược quý, được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, trong đó có mất ngủ. Chữa mất ngủ ở bà bầu tháng cuối thai kỳ cũng có thể áp dụng bài thuốc đơn giản này.

ba bau mat ngu 3 thang cuoi
Cây xấu hổ chữa mất ngủ cho bà bầu rất tốt

Cách thực hiện:

  • Chặt cành cây xấu hổ cắt thành từng khúc nhỏ rồi đem phơi khô. Cành xấu hổ phơi khô nên bỏ vào túi nilon buộc kín, bảo quản ở nơi thoáng mát.
  • Lấy khoảng 15g xấu hổ rửa sạch, bỏ vào ấm đun sôi lọc lấy nước uống hàng ngày.
  • Mỗi ngày mẹ bầu có thể uống 1 – 2 lần, mỗi lần một cốc nước vừa là đủ.

Làm gối ngủ từ cây đinh lăng

Lá đinh lăng đã được khoa học hiện đại chứng minh lâm sàng về công dụng chữa mất ngủ. Mẹ bầu có thể áp dụng mẹo làm gối ngủ từ lá cây đinh lăng để có thể cải thiện giấc ngủ của mình một cách an toàn nhất.

Cách thực hiện:

  • Hái lá đinh lăng với lượng vừa phải đem phơi khô đến khi lá chuyển sang màu đen nhạt là được.
  • Đem lá đinh lăng khô trộn với bông theo tỷ lệ thích hợp để làm ruột gối kê đầu khi ngủ.
  • Để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, mẹ bầu nên chọn lá đinh lăng từ những cây có tuổi thọ lâu năm, ít nhất phải từ 5 năm trở lên. Những lá đinh lăng trọn là những lá trưởng thành, không bị sâu bệnh hay nấm.

Những thói quen tốt và lưu ý để cải thiện giấc ngủ cho mẹ bầu

Những thay đổi đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn. Vì vậy, nếu gặp phải tình trạng mất ngủ, mẹ đừng quá lo lắng mà trước tiên hãy thử điều chỉnh một vài thói quen sinh hoạt của mình hay đơn giản là không gian ngủ hàng ngày.

  • Cố gắng đi ngủ cố định vào một khung giờ và thực hiện nghiêm túc việc đó. Thời gian ngủ tốt nhất cho mẹ bầu là từ 9h tối.
  • Cố gắng giữ tinh thần thoải mái, thư thái nhất trước khi đi ngủ, tránh lo nghĩ nhiều hay sử dụng các thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính…) trước khi ngủ.
  • Tích cực vận động nhẹ: Mẹ bầu có thể tập thiền, đi bộ nhẹ để tăng lưu thông máu, giúp các cơ co giãn linh hoạt hơn, tránh tình trạng chuột rút gây khó ngủ về đêm.
  • Không cố ăn nhiều: Nhiều mẹ bầu vì sợ con thiếu chất nên ăn uống quá nhiều đồ tẩm bổ, ăn nhiều bữa trong ngày, ngay cả trước khi đi ngủ. Việc này không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, giảm sự hấp thụ thức ăn mà còn tác động xấu đến giấc ngủ. Hãy xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tùy thuộc theo giai đoạn phát triển của thai nhi. Nếu cần thiết, mẹ hãy hỏi thêm chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất.
  • Tạo không gian ngủ ấm cúng, thư thái tinh thần: Màu sắc căn phòng, đèn ngủ, sự sắp xếp tranh ảnh… đôi khi cũng là những yếu tố giúp mẹ bầu thư thái hơn. Hãy sắp xếp mọi thứ theo ý mình muốn, miễn là bản thân thấy thoải mái, dễ chịu nhất là được.

Hy vọng những thông tin chia sẻ về tình trạng bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối trên đây sẽ giúp ích cho nhiều mẹ trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Sinh con là một hành trình đầy gian nan và thử thách, hãy cố gắng tạo cho mình một giấc ngủ thư thái nhất để đảm bảo sức khỏe, giúp con được phát triển khỏe mạnh nhé các mẹ!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *