Bài dưỡng sinh chữa ù tai, nghe kém 

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Ù tai là tình trạng một hoặc cả hai bên tai xuất hiện tiếng “ù ù”, khiến người bị luôn trong trạng thái khó chịu, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, việc tập luyện thể dục hay tập dưỡng sinh có thể giúp cải thiện tình trạng ù tai vô cùng hiệu quả.

Ù tai nghe kém là gì?

Ù tai là tình trạng người bệnh nghe thấy những tiếng ù, tiếng chuông, tiếng vo ve, ong kêu, tiếng nước chảy hay nhịp tim của bản thân… Tình trạng ù tai dẫn tới sự tiếp nhận âm thanh đến tai giảm mạnh. Tuy có thể nghe được âm thanh nhưng rất kém, có thể không nghe rõ chữ ngay cả khi nguồn âm ngay bên cạnh. Đây là trạng thái suy giảm thính lực hay còn gọi là nghe kém, khiếm thính, mức độ nặng nhẹ sẽ tùy từng trường hợp cụ thể.

Ù tai không phải là một bệnh lý, nó chỉ là triệu chứng của một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như suy giảm thính lực liên quan đến tuổi, chấn thương tai hoặc các rối loạn hệ thống tuần hoàn cấp máu nuôi dưỡng vùng nhận cảm thính giác (tai giữa và tai trong)

Biểu hiện mắc ù tai nghe kém

Dưới đây là một số dấu hiệu người bệnh có thể gặp khi bị ù tai nghe kém:

  • Cảm thấy âm thanh, lời nói truyền đến bị rè, nghẹt lại.
  • Không hiểu rõ các từ ngữ nghe được, kể cả khi xung quanh có nguồn âm lớn đang phát hay đang ở trong đám đông ồn ào.
  • Luôn nghe nhạc, xem tivi, đài ở âm lượng lớn.
  • Cần mọi người nói chậm, to, rõ hơn để có thể hiểu được.
  • Thông tin người bệnh nghe được lẫn lộn.
  • Trong tai có những tiếng ù ù, vo ve, tiếng tim đập, tiếng chuông…
  • Người bệnh cảm thấy không thuận lợi khi đàm thoại với mọi người.
  • Ít tham gia một số hoạt động cộng đồng.

Nguyên nhân gây ù tai nghe kém

Một số nguyên nhân dẫn đến người bệnh bị ù tai suy giảm chức năng nghe có thể kể đến như:

  • Tai tổn thương: Nguyên nhân lớn dẫn đến ù tai nghe kém là do tế bào lông tai bị tổn thương. Thời gian dài tiếp xúc với tiếng ồn có thể gây mòn, rách các sợi lông của ốc tai làm giảm chất lượng âm thanh có thể nghe được. Điều này có xu hướng tăng dần theo độ tuổi.
  • Ráy tai: Do tích tụ quá nhiều ráy tai sẽ làm tắc ống tai, ngăn chặn âm thanh có thể tiếp nhận được.
  • Viêm nhiễm, bệnh lý: Viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng tai… là những vấn đề có thể khiến suy giảm thính lực ở người bệnh. Ngoài ra sự tăng sinh bất thường của xương hay khối u cũng khiến mắc phải ù tai, nghe kém hiệu quả.
  • Thủng màng nhĩ: Tổn thương khiến rách, xước, thủng màng nhĩ do tiếng ồn, áp suất thay đổi đột ngột hay dị vật chọc thủng cũng ảnh hưởng lớn tới thính giác.
  • Di truyền: Tuy hiếm nhưng yếu tố di truyền cũng có thể khiến tỷ lệ mắc ù tai, suy giảm thính giác tăng cao hơn ở những người có tiền sử gia đình đã từng mắc bệnh.
  • Thuốc: Do ảnh hưởng của một số loại thuốc như nhóm kháng sinh aminosid (gentamicin), thuốc trị sốt rét, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau… nếu sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Tuần hoàn máu rối loạn: Làm gián đoạn quá trình vận chuyển oxy và dinh dưỡng của máu đến cơ quan khiến thính lực suy giảm gây ù tai.
  • Khác: Các vấn đề về chấn thương, u dây thần kinh thính giác, u não, suy giảm chức năng thận cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ù tai nghe kém.

Bài dưỡng sinh chữa ù tai, nghe kém

Điều trị ù tai có thể cần can thiệp y tế hoặc các biện pháp tập luyện, tuy nhiên khi bị ù tai bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán rõ nguyên nhân và được điều trị đúng bệnh lý.

Bác sĩ sẽ giới thiệu cho các bạn một số động tác dưỡng sinh giúp cải thiện triệu chứng ù tai nghe kém cực tốt sau đây:

  • Bước 1: Xoa nóng 2 lòng bàn tay của bạn. sau đó đưa lên ôm sát 2 tai (lòng bàn tay ôm trọn toàn bộ tai), giữ nguyên khoảng 15-20 giây.
  • Bước 2: Há miệng to, mở rộng hàm càng lớn càng tốt, sau đó chạm vào vòm miệng bằng đầu lưỡi. Di chuyển đầu lưỡi về phía amidan của bạn, giữ như vậy trong vài giây. Lặp lại bài tập này 4 – 5 lần.
  • Bước 3: Ngồi thẳng và di chuyển cằm lên trên xuống dưới 20 lần (giống động tác gật đầu). Sau đó di chuyển cằm sang bên 20 lần (như động tác lắc đầu). Lặp lại bài tập này 3 lần và lưu ý rằng, khi làm thật chậm rãi và không nên quá căng cổ.
  • Bước 4: Ngồi thẳng dùng phần thịt của 2 đầu ngón tay cái ấn sâu vào huyệt Phòng trì 2 bên, giữ tay khoảng 10 giây, sau đó đưa tay lên ấn huyệt Nhĩ môn 2 bên, cũng giữ khoảng 10 giây, sau đó thả tay ra dần dần.

Tần suất bài tập

Tốt nhất là tập hàng ngày, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần tập khoảng 20-30p, có thể tập khi mới ngủ dậy, trước khi ngủ, khi căng thẳng áp lực,…

Lưu ý khi tập cần thả lỏng cơ thể, thư giãn đầu óc, chỉ tập trung vào các chuyển động hàm và các bước, quên đi mọi buồn phiền và lo lắng trong công việc và cuộc sống để đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách cải thiện tình trạng u tai, nghe kém

Ù tai nghe kém là bệnh không nguy hiểm tới tính mạng con người những làm suy giảm thính giác, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của người bệnh. Do đó, bên cạnh bài tập dưỡng sinh, người bệnh nên khắc phục kịp thời tình trạng này để không làm trầm trọng thêm trạng thái mất thính lực về lâu dài. Có một số cách có thể giúp cải thiện triệu chứng có thể kể đến như:

  • Bảo vệ tai: Hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài. Có thể dùng đồ nút tai để ngăn chặn âm thanh lớn đánh trực tiếp vào thính giác. Hiện nay trên thị trường hay các trang thương mại điện tử cũng có rất nhiều mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, giá cả hợp lý cho bạn lựa chọn.
  • Tránh các hoạt động giải trí gây ra âm thanh quá lớn như bắn súng, đua xe… Ngoài ra khi nghe nhạc mạnh cần có đồ hỗ trợ bảo vệ tai như đã nói ở trên.
  • Thường xuyên kiểm tra thính lực nếu phải làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn. Kịp thời đến gặp bác sĩ tư vấn để ngăn ngừa những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
  • Tránh các tác động mạnh gây chấn thương tai hay đưa vật lạ vào tai khiến tình trạng ù tai giảm thính lực trở nên trầm trọng hơn.
  • Chăm sóc, vệ sinh tai đúng cách. Không tự ý chọc lấy ráy tai bằng các vật sắc nhọn sẽ làm tổn thương đến tai.

Trên đây là một số thông tin về chứng ù tai nghe kém, hy vọng có thể đem đến những thông tin hữu ích tới cho bạn đọc. Với tình trạng bệnh nặng, các bạn cần thăm khám kịp thời để tránh những biến chứng không đáng có.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *