Bàng quang tăng hoạt là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là hội chứng thường gặp ở người lớn tuổi với các triệu chứng cụ thể như: Tiểu nhiều lần, tiểu gấp, thậm chí là tiểu không tự chủ. Hội chứng này tuy không đe dọa tới tính mạng nhưng lại khiến cuộc sống sinh hoạt đảo lộn, gây tâm lý e ngại cho người bệnh.

bang quang tang hoat
Hội chứng OAB gây bất tiện cho sinh hoạt của người bệnh

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là gì?

Bàng quang tăng hoạt là tình trạng rối loạn chức năng giữ nước tiểu của bàng quang (bọng đái). Khi đó, bàng quang co bóp bất thường và không có sự kiểm soát gây cảm giác mót tiểu đột ngột, đòi hỏi tiểu tiện ngay và không thể nhịn tiểu.

Ngoài ra, hội chứng này cũng thường kèm theo triệu chứng són tiểu gấp, bệnh nhân phải đi tiểu nhiều lần vào cả ban ngày và ban đêm nhưng không có dấu hiệu nhiễm trùng tiểu hoặc bất cứ bệnh lý về đường tiết niệu nào khác.

bang quang tang hoat
Hình ảnh mô phỏng bàng quang tăng hoạt

Bàng quang co bóp đột ngột tuy không nguy hiểm nhưng lại khiến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh gặp nhiều bất tiện. Nhất là đối với những người trẻ, khi mắc hội chứng này thường tỏ ra e ngại vì thường xuyên phải đi tiểu tiện.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, trên thế giới có hàng triệu người bị bàng quang tăng hoạt. Nhưng có tới hơn 50% trong số họ vì tâm lý e ngại mà chấp nhận chịu đựng, không đến bệnh viện thăm khám để được sĩ tư vấn, chữa trị.

Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt

Các nguyên nhân khiến bàng quang co thắt quá mức thường gặp là:

  • Dây thần kinh bị ảnh hưởng do thoát vị đĩa đệm, chấn thương tủy sống.
  • Rối loạn thần kinh do bệnh Parkinson, tiểu đường, đột quỵ, tủy bị xơ hóa…
  • Do chấn thương sau phẫu thuật vùng chậu.
  • Bị sỏi bàng quang hoặc bàng quang xuất hiện các khối u. Các triệu chứng sỏi bàng quang cũng có thể là nguyên nhân khiến bàng quang co bóp bất thường.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Một số bệnh lý nhiễm trùng có biến chứng ảnh hưởng đến dây thần kinh như: Giang mai, herpes,…
  • Do thay đổi nội tiết trong thời kỳ mãn kinh ở nữ giới.
  • Chức năng thận suy giảm, các tế bào thận bị lão hóa, khiến bàng quang không còn nhanh nhạy trước các tín hiệu thần kinh nên co bóp không kiểm soát.
bang quang tang hoat
Có nhiều nguyên nhân khiến bàng quang co bóp bất thường không kiểm soát

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Hội chứng bàng quang tăng hoạt thường gây ra một loạt các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiểu tiện gây bất tiện cho sinh hoạt của người bệnh. Bao gồm các dấu hiệu sau:

  • Buồn tiểu gấp, có cảm giác mót tiểu và muốn đi ngay không thể nhịn được.
  • Thường xuyên tiểu són và tiểu không kiểm soát. Các cơn buồn tiểu có thể xuất hiện ngay sau khi có yếu tố kích thích như vận động mạnh, hắt hơi, ho.
  • Thường xuyên tiểu tiện, mỗi ngày có thể đi 7-8 lần.
  • Mỗi đêm phải thức dậy nhiều hơn 2 lần để đi tiểu tiện.

Căn cứ vào các triệu chứng, hội chứng OAB chia thành 2 loại gồm:

  • Bàng quang tăng hoạt khô: Không gây són tiểu, chiếm ⅔ số người mắc bàng quang co bóp đột ngột.
  • Bàng quang tăng hoạt ướt: Gây són tiểu khiến người bệnh mệt mỏi, luôn có tâm lý e ngại.

Đối tượng dễ mắc hội chứng OAB

Những người có nguy cơ cao bị kích thích bàng quang gồm:

  • Những người lớn tuổi, nhất là những người bị chấn thương tủy sống, đột quỵ… cùng nhiều bệnh lý ảnh hưởng đến dây thần kinh khác.
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bàng quang co thắt đột ngột cao hơn nam giới.
  • Đối tượng đã bị, đang bị các bệnh sỏi tiết niệu, tăng sản tuyến tiền liệt…
  • Nữ giới đã trải qua sinh nở, mang thai nhiều lần.
bang quang tang hoat
Nữ giới là đối tượng có nguy cơ cao bị hội chứng OAB

Hội chứng bàng quang tăng hoạt có nguy hiểm không?

Bàng quang tăng hoạt khiến cho việc tiểu tiện trở thành “nỗi ám ảnh” của người bệnh. Thậm chí, nhiều người còn ví von người mắc hội chứng OAB phải luôn “ôm” nhà vệ sinh 24/24 vì không thể nhịn tiểu.

Theo các chuyên gia về tiết niệu, hội chứng bàng quang tăng hoạt hoàn toàn không gây nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, hội chứng này lại khiến cho người bệnh tự ti, e ngại trong giao tiếp, ảnh hưởng không nhỏ tới các mối quan hệ xã hội và công việc.

Phương pháp chẩn đoán hội chứng OAB

Bên cạnh các biểu hiện lâm sàng như tiểu gấp, tiểu són, không thể nhịn tiểu, tiểu nhiều lần trong đêm, hội chứng OAB được chẩn đoán chính xác thông qua các hình thức sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu. Thông qua việc phân tích mẫu nước tiểu, bác sĩ có thể xác định cả các bệnh về đường tiết niệu, đưa ra chẩn đoán cho người bệnh.
  • Siêu âm bàng quang: Phương pháp này giúp đo lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang nhằm xác định tình trạng ứ đọng nước tiểu cùng các rối loạn tiểu tiện (nếu có).
  • Xét nghiệm Urodynamic: Nhằm đánh giá khả năng lưu giữ nước tiểu trong bàng quang, từ đó có can thiệp phù hợp.
  • Nội soi bàng quang: Nội soi bàng quang là phương pháp chẩn đoán chính xác dấu hiệu bất thường có thể khiến bàng quang co bóp bất thường. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ cũng có thể yêu cầu làm sinh thiết bàng quang để có kết luận chính xác nhất.
bang quang tang hoat
Nội soi bàng quang giúp chẩn đoán chính xác hội chứng OAB

Cách điều trị bàng quang tăng hoạt

Có thể chữa khỏi bàng quang tăng hoạt nhưng bệnh sẽ tái phát nếu như gặp điều kiện thuận lợi. Phác đồ điều trị bàng quang tăng hoạt như thế nào còn tùy thuộc vào mức độ nặng/nhẹ của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Dưới đây là các biện pháp cải thiện hội chứng OAB tại nhà, theo Tây y và Đông y.

Biện pháp chữa bàng quang tăng hoạt tại nhà

Để chữa bàng quang tăng hoạt tại nhà hiệu quả, trước tiên người bệnh cần chủ động thay đổi thói quen và hành vi sinh hoạt. Cụ thể như sau:

  • Cân đối lượng nước nạp vào cơ thể mỗi ngày: Mỗi ngày nên uống đủ 2 lít nước. Chỉ nên uống vào buổi sáng và đầu giờ chiều, nên tránh uống sau 9h tối vì lúc này nước tiểu sẽ tích tụ nhiều trong bàng quang gây hiện tượng tiểu đêm.
  • Luyện tập phản xạ tiểu tiện: Ngay khi mót tiểu không nên đi tiểu ngay, nên thử nhịn trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó tăng dần khoảng cách giữa hai lần đi tiểu càng xa càng tốt.
  • Thực hiện bài tập Kegel: Đây là bài tập tác động vào cơ sàn chậu, niệu đạo. Nhờ vậy giúp tăng giới hạn chứa đựng nước tiểu của bàng quang, hạn chế rối loạn tiểu tiện do tình trạng co thắt đột ngột gây ra.

Điều trị hội chứng OAB bằng biện pháp Tây y

Hiện nay, Tây y đang áp dụng hai biện pháp điều trị hội chứng OAB là điều trị nội khoa bằng thuốc và can thiệp ngoại khoa bằng biện pháp phẫu thuật. Tùy thuộc vào mức độ bị kích thích của bàng quang mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cho phù hợp.

Điều trị nội khoa bằng thuốc uống và thuốc tiêm

Hai loại thuốc đang được sử dụng trong điều trị bàng quang tăng hoạt là thuốc uống và thuốc tiêm.

Nhóm thuốc uống co thắt cơ trơn:

Đối với các bệnh nhân bị kích thích bàng quang ở thể nhẹ, bác sĩ thường chỉ định dùng các loại thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt có tác dụng chống co thắt cơ trơn. Mục đích của nhóm thuốc này là ức chế hoạt động của các nhóm cơ tại thành bàng quang, giảm các cơn co thắt, từ đó các cơn buồn tiểu cũng xuất hiện với tần suất ít hơn. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị bàng quang tăng hoạt có thể kế đến như:

  • Trospium
  • Fesoterodine
  • Solifenacin
  • Oxybutynin
  • Oxybutynin clorua
  • Tolterodine
bang quang tang hoat
Nhóm thuốc chống co thắt cơ trơn giúp ức chế hoạt động của thành bàng quang

Tuy nhiên, nhóm thuốc chống cơ trơn cũng để lại một số tác dụng không mong muốn cho người dùng. Tùy thuộc vào cơ địa của từng người mà tác dụng phụ sẽ khác nhau, những triệu chứng thường gặp nhất là táo bón, khô miệng.

Tiêm Botulinum toxin type A vào thành bàng quang:

Bên cạnh điều trị nội khoa bằng thuốc uống, bác sĩ cũng có thể tiêm Botulinum toxin type A cho bệnh nhân bị mắc hội chứng OAB nhằm gây tê tạm thời bàng quang. Theo đó, Botulinum toxin type A sẽ được tiêm vào 30-40 điểm của thành bàng quang với liều lượng không quá 300 đơn vị.

Nhưng theo các bác sĩ, phương pháp này chỉ có tác dụng tạm thời trong 6 tháng. Sau thời gian này, thuốc “hết hiệu lực”, nếu muốn duy trì hoạt động co bóp bình thường cho bàng quang thì cần tiêm lại. Tuy nhiên, tiêm Botulinum toxin type A lại có chi phí khá lớn, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao và không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện thực hiện.

Xem thêm

Can thiệp ngoại khoa bằng biện pháp phẫu thuật

Phẫu thuật là phương án cuối cùng được áp dụng nếu như việc sử dụng thuốc uống, thuốc tiêm bàng quang không có tác dụng. Nguyên tắc chung của biện pháp phẫu thuật là tăng sức chứa đồng thời giảm áp lực cho bàng quang, từ đó hạn chế sự kích thích của các cơn co bóp lên bàng quang, kéo dài thời gian giữa các lần đi tiểu.

Hai hình thức phẫu thuật bàng quang phổ biến là:

  • Phẫu thuật “nới rộng” bàng quang: Là phẫu thuật nhằm tăng sức chứa cho bàng quang bằng cách sử dụng một đoạn ruột của bệnh nhân để thay thế cho bàng quang. Tuy nhiên, đây lại là phẫu thuật tổn tại nhiều rủi ro, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Phẫu thuật cắt bỏ bàng quang: Là lựa chọn cuối cùng khi bàng quang tăng hoạt trầm trọng và có thể gây biến chứng. Với phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ hoàn toàn bàng quang và thay thế bằng một túi da đựng nước tiểu.

Chữa bàng quang tăng hoạt bằng bài thuốc Đông y

Theo Đông y, nguyên nhân hình thành nên sự mất cân bằng trong co bóp bàng quang có thể xuất phát từ nhiều cơ quan trong cơ thể. Trong đó, sự thiếu hụt khí của thận có thể là một trong những căn nguyên khiến bàng quang tăng hoạt. Do vậy, Đông y cho rằng để cải thiện hội chứng OAB, trước hết cần bồi bổ chân khí cho thận.

Các loại dược liệu thường được Đông y sử dụng trong điều trị bệnh là:

  • Nấm linh chi
  • Nhân sâm
  • Cây bồ công anh
  • Cây nữ lang
  • Thảo quả đen
  • Bạch tật lê
  • Ngọc mễ (râu ngô)
bang quang tang hoat
Nấm linh chi là dược liệu Đông y được dùng trong điều trị hội chứng OAB

Việc sử dụng các loại dược liệu thiên nhiên này có ưu điểm sau:

  • An toàn, lành tính, không gây tác dụng phụ sau khi sử dụng.
  • Cách chế biến, sử dụng đơn giản, ai cũng có thể tự áp dụng tại nhà.
  • Vừa mang lại hiệu quả điều trị bệnh lại giúp nâng cao thể trạng, thanh lọc cơ thể.

Tuy nhiên, các bài thuốc Đông y cũng tồn tại một số nhược điểm là hiệu quả hạn chế. Người bệnh phải thật kiên trì sử dụng trong thời gian dài mới đem lại hiệu quả mong muốn. Do vậy, nếu như bệnh tình không mấy tiến triển, thậm chí có biểu hiện xấu hơn thì người bệnh nên chủ động tới gặp bác sĩ, đừng nên quá phụ thuộc vào các bài thuốc Đông y.

Bị bàng quang tăng hoạt nên ăn gì, kiêng gì?

Chế độ ăn uống luôn đóng vai trò quyết định đối với quá trình điều trị bất cứ căn bệnh nào, bàng quang tăng hoạt cũng không là ngoại lệ. Người bị hội chứng bàng quang kích thích nên tăng cường bổ sung các thực phẩm sau:

  • Các loại rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ
  • Nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng chứa ít calo như: Hoa quả, ngũ cốc, thịt gia cầm, sữa tách béo,…

Ngoài ra, người mắc hội chứng OAB cũng cần kiêng các loại đồ ăn, đồ uống sau:

  • Trái cây nhiều axit
  • Thực phẩm cay nóng
  • Hành tây
  • Đồ ăn chế biến sẵn
  • Các món ăn có nhiều gia vị, nêm nếm quá mặn
  • Đồ ăn quá ngọt, chứa nhiều đường
  • Các loại đồ uống chứa cồn, nước uống có cồn, nước uống chứa cafein…
bang quang tang hoat
Chế độ ăn uống khoa học giúp người bị kích thích bàng quang nhanh chóng đẩy lùi bệnh tật

Biện pháp phòng tránh bàng quang tăng hoạt

Để phòng ngừa hội chứng OAB, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp sau:

  • Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, nhưng chỉ uống vào buổi sáng và chiều, không uống sau 9h tối. Đồng thời luôn uống nước thành từng ngụm nhỏ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh ăn quá mặn để không gây ảnh hưởng tới hoạt động của thận.
  • Hạn chế các loại đồ uống khiến bạn liên tục phải đi tiểu như rượu, bia, nước tăng lực, trà…
  • Kiêng các loại đồ ăn gây bất lợi cho hoạt động của bàng quang, các loại hoa quả chứa quá nhiều axit.
  • Không ăn thực phẩm có chứa các chất ngọt nhân tạo (aspartame, saccharin).
  • Tới bệnh viện để thăm khám sức khỏe định kỳ, tốt nhất là 6 tháng/lần. Điều này giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề của bàng quang, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp.

Bàng quang tăng hoạt là “cơn ác mộng” không ai muốn gặp, bởi nó gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Nếu đang có những dấu hiệu như tiểu són, tiểu mót, không kiểm soát được việc tiểu tiện,… hãy chủ động tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn. Đừng vì tâm lý e ngại mà khiến cuộc sống bị đảo lộn, bạn nhé!

Bạn nên đọc

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *