Á SỪNG

Bệnh á sừng có thể xảy ra ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là ngón tay, bàn tay và bàn chân. Không chỉ khiến da khô ráp, bong tróc, á sừng có còn thể gây nứt nẻ, chảy máu và khiến người bệnh gặp khó khăn khi sinh hoạt thường ngày.

Định nghĩa

Á sừng là gì là thắc mắc của nhiều người? Thầy thuốc Ưu tú Lê Phương, Phó giám đốc chuyên môn Nhất Nam Y Viện cho biết, bệnh á sừng là một dạng bệnh viêm da cơ địa, tên tiếng anh của bệnh là Dermatitis plantaris sicca. Bệnh xảy ra khi lớp sừng trên da chuyển hóa chưa hoàn thiện.

Á sừng có thể gây khô da, nứt nẻ và khiến da bong tróc thành từng mảng ở nhiều vùng da trên cơ thể. Tuy nhiên, vị trí hay bị á sừng nhất là đầu ngón tay, gót chân, da đầu....

Các triệu chứng của bệnh sẽ nặng hơn trong thời tiết hanh khô. Thậm chí, trong mùa Đông, người bệnh á sừng có thể bị nứt nẻ, rớm máu ngón tay, ngón chân khiến bệnh nhân đau đớn.

Khi thấy nhiều thành viên trong gia đình cùng bị á sừng, nhiều người cho rằng á sừng có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh á sừng không có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người thường, bệnh chỉ có yếu tố di truyền. Nếu bố hoặc mẹ bạn bị á sừng thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bệnh á sừng có thể khiến chân, tay bị bong tróc
Bệnh á sừng có thể khiến chân, tay bị bong tróc

Nguyên nhân

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây á sừng vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và khiến các triệu chứng bệnh á sừng trầm trọng hơn.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến bệnh á sừng:

  • Thời tiết: Các triệu chứng của bệnh á sừng có thể nặng hơn trong mùa Đông hoặc trong thời tiết khô hanh. Nguyên nhân là do thời điểm này da thường bị khô ráp và thiếu độ ẩm.
  • Tiếp xúc với các loại hóa chất: Các hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa có thể khiến làn da bị suy yếu và bong tróc. Do vậy những người thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa như bột giặt, xà phòng, nước rửa bát, nước lau nhà, hóa chất công nghiệp… có nguy cơ bị á sừng cao hơn.
  • Di truyền: Theo thống kê của các nhà khoa học, nếu người thân trong gia đình của bạn bị á sừng thì nguy cơ mắc bệnh của bạn cũng cao hơn so với những người khác.
  • Cơ địa dị ứng: Những người có cơ địa dị ứng, mắc các bệnh viêm mũi dị ứng, hen phế quản, chàm… cũng có nguy cơ cao mắc á sừng.

Người có cơ địa dị ứng dễ bị á sừng hơn những đối tượng khác
Người có cơ địa dị ứng dễ bị á sừng hơn những đối tượng khác

Triệu chứng và biến chứng

Ngoài á sừng, cũng có nhiều bệnh ngoài da khác cũng gây bong tróc da, ngứa ngáy. Do vậy, bạn cần biết rõ các triệu chứng của bệnh để có hướng điều trị đúng. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh á sừng thường gặp:

  • Da bị khô và bong tróc: Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh á sừng. Tình trạng này xảy ra khi quá trình sừng hóa trên da chưa hoàn thiện khiến các tế bào sừng xếp chồng lên nhau và gây khô da, bong tróc, nứt nẻ. Nếu á sừng xảy ra ở ngón tay, ngón chân, người bệnh có thể bị mất vân tay, vân chân do da ở vùng này liên tục bong tróc.
  • Da nứt nẻ, chảy máu: Khi á sừng nặng lên, da của người bệnh sẽ bị căng lên và bắt đầu xuất hiện vết nứt có rớm máu. Nếu không được điều trị, vết nứt trên da sẽ lan rộng và gây đau rát khó chịu.
  • Ngứa ngáy: Người bệnh có thể bị ngứa ngáy tại vùng da bị tổn thương, đặc biệt là khi á sừng xuất hiện ở đầu.

Á sừng gây lột da nghiêm trọng
Á sừng gây lột da nghiêm trọng

Ngoài những triệu chứng trên, người mắc bệnh á sừng còn có các triệu chứng sau:

  • Vùng da mắc bệnh bị chai sần và dày hơn so với những vùng còn lại.
  • Nổi mụn nước vào mùa hè.
  • Nếu á sừng xuất hiện ở móng tay, móng chân thì người bệnh sẽ thấy trên móng xuất hiện những lỗ nhỏ li ti màu vàng và móng có thể bị bong ra.
  • Những triệu chứng của bệnh á sừng có thể chuyển nặng nếu người bệnh tiếp tục tiếp xúc với các loại hóa chất như hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa, bột giặt… hoặc trong thời tiết khô lạnh.

Khi bị á sừng, nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là bệnh ngoài da và không gây nguy hiểm gì nên chủ quan không thăm khám, điều trị. Tuy nhiên, á sừng nếu không được điều trị hoặc điều trị sai cách có thể khiến người bệnh khó chịu và gây ra một số biến chứng trên da.

  • Khiến làn da suy yếu: Da có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài. Khi mắc bệnh á sừng, da sẽ liên tục bong tróc, nứt nẻ, điều này có thể làm suy yếu hàng rào bảo vệ của da, từ đó khiến bạn có nguy cơ mắc nhiều bệnh ngoài da.
  • Ảnh hưởng tới vẻ bề ngoài: Á sừng ở chân, tay, da đầu và đặc biệt là mặt… có thể ảnh hưởng không nhỏ tới vẻ bề ngoài, từ đó khiến họ mất tự tin khi giao tiếp.
  • Nhiễm trùng da: Bệnh á sừng có thể khiến người bệnh ngứa ngáy khó chịu. Hành động gãi ngứa khi mắc bệnh có thể khiến da bị tổn thương, trầy xước và là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào da gây nhiễm trùng.

Tình trạng bội nhiễm trên da còn có thể khởi phát khi gặp một số điều kiện thuận lợi
Tình trạng bội nhiễm trên da còn có thể khởi phát khi gặp một số điều kiện thuận lợi

Giải pháp điều trị

Á sừng nếu không được điều trị kịp thời có thể chuyển thành mãn tính và rất khó điều trị dứt điểm. Do vậy, khi có dấu hiệu á sừng, người bệnh nên áp dụng các biện pháp điều trị để giúp đẩy lùi bệnh nhanh chóng. Dưới đây là một số cách chữa á sừng phổ biến được nhiều người áp dụng.

Mẹo dân gian chữa á sừng tại nhà

Mẹo dân gian thường được áp dụng cho người bị bệnh á sừng nhẹ hoặc bệnh mới khởi phát. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng các nguyên liệu dễ kiếm, an toàn với người bệnh và dễ thực hiện tại nhà.

  • Dùng cây vòi voi: Để trị á sừng, bạn cần lấy một nắm cây vòi voi tươi rửa sạch, giã nhuyễn với chút muối sau đó đắp lên vùng da bị á sừng, sau 20 - 25 phút thì rửa sạch da với nước ấm.
  • Dùng lá lốt chữa á sừng: Lấy một nắm lá lốt tươi rửa sạch sau đó đun sôi với nước đã được thêm chút muối. Khi nước sôi thì tắt bếp, để nguội dần sau đó dùng nước vừa đun ngâm vùng da bị á sừng trong 3 - 5 phút. Ngoài cách trên, bạn có thể lấy lá lốt giã nát sau đó đắp trực tiếp lên vùng da bị bệnh.
  • Dùng lá trầu không: Lấy một nắm lá trầu không vò nát, đun với nước muối loãng sau đó chờ nguội bớt. Dùng nước lá trầu không ngâm rửa vùng da mắc bệnh để giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Lá trầu không giúp tiêu viêm, giảm đau, khu phong và sát trùng vùng tổn thương
Lá trầu không giúp tiêu viêm, giảm đau, khu phong và sát trùng vùng tổn thương

Đông y chữa á sừng 

Theo y học cổ truyền, á sừng xảy ra khi chức năng thải độc của gan bị suy giảm. Tình trạng này kéo dài có thể khiến chất độc tích tụ dưới da và gây ra các triệu chứng ngứa ngáy. Do vậy, để giải quyết căn bệnh này, các thầy thuốc Đông y thường sử dụng các vị thuốc giúp tăng cường chức năng gan, thận, cải thiện quá trình thải độc của cơ thể.

Điều trị bệnh á sừng bằng Đông y được người bệnh tin tưởng lựa chọn vì nhiều lý do. Thứ nhất, phương pháp này sử dụng các thảo dược tự nhiên nên nó an toàn với nhiều đối tượng khi phải dùng thời gian dài. Thứ 2 là thuốc giúp điều trị tận gốc căn nguyên nên sẽ hạn chế bệnh tái phát.

Tùy vào tình trạng bệnh và điều kiện hoàn cảnh của bản thân mà bạn có thể lựa chọn bài thuốc uống hay dùng ngoài da để điều trị á sừng. Dưới đây là các bài thuốc trị á sừng phổ biến:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị dạ dao đằng, địa hoàng, thương nhĩ, hắc sâm, ma tử nhân mỗi vị 12g. Rửa sạch thuốc sau đó cho vào ấm sắc với 4 chén nước lọc. Sắc thuốc cho đến khi cạn còn 1 chén thì tắt bếp và lọc lấy nước. Nên uống khi còn ấm và uống  liên tục cho đến khi thấy bệnh thuyên giảm.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 500g huyền minh phàn, 240g hoa cúc, phèn chua, xuyên tiêu mỗi loại 120g. Cho tất cả các nguyên liệu trên vào đun cùng một ấm nước lớn. Dùng nước này để tắm hoặc ngâm rửa vùng da bị á sừng. Lưu ý: Khi tắm bạn nên massage nhẹ nhàng để loại bỏ da chết và lớp sừng.

Sử dụng sản phẩm Đông y sẽ giúp cải thiện tình trạng ngứa và trong vảy hiệu quả
Sử dụng sản phẩm Đông y sẽ giúp cải thiện tình trạng ngứa và trong vảy hiệu quả

Điều trị theo Tây y

Để chẩn đoán chính xác á sừng, ngoài quan sát các triệu chứng ngoài da, hỏi về tiền sử mắc bệnh của gia đình, bạn cũng được xét nghiệm soi da. Sau khi xác định chính xác á sừng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh một số loại thuốc dưới đây:

  • Acid salicylic: Loại thuốc này giúp cấp ẩm cho da, làm giảm tình trạng bong tróc da do á sừng gây ra. Hoạt chất này cũng giúp sát trùng, chống viêm và kháng nấm hiệu quả. Acid salicylic có thể được bào chế dưới nhiều dạng như thuốc bôi, miếng dán… người bệnh có thể lựa chọn loại phù hợp với nhu cầu của bản thân.
  • Corticoid: Corticoid dạng bôi hoặc uống thường được sử dụng cho những bệnh nhân bị á sừng nặng. Thuốc có thể ức chế hệ miễn dịch và kháng viêm nên nó giúp giảm nhanh các triệu chứng á sừng. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý dùng corticoid bởi chúng có thể gây mỏng da và ảnh hưởng đến gan thận.
  • Kháng sinh: Nếu á sừng chuyển nặng hoặc da có hiện tượng bội nhiễm thì người bệnh sẽ được chỉ định dùng  kháng sinh dạng bôi hoặc dạng uống kết hợp với corticoid. Thời gian dùng có thể kéo dài từ 7 - 10 ngày.
  • Kem dưỡng ẩm: Sản phẩm này giúp cung cấp độ ẩm cho da từ đó giúp da mềm mại, hạn chế tình trạng bong tróc và ngứa da.

Để các loại thuốc á sừng trên phát huy hiệu quả, người bệnh cần lưu ý sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng hoặc tăng giảm liều nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ vì có thể gây ra tình trạng nhờn, khiến bệnh dễ tái phát trở lại.

Các loại thuốc Tây giúp giảm ngứa ngáy, bong tróc da hiệu quả
Các loại thuốc Tây giúp giảm ngứa ngáy, bong tróc da hiệu quả

Lưu ý điều trị

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng với người bệnh á sừng vì chế độ dinh dưỡng lành lành với đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp phòng ngừa bệnh tái phát. Ngược lại, một số loại thực phẩm lại có thể khiến triệu chứng bệnh nặng thêm. Dưới đây là những thực phẩm người bệnh á sừng nên ăn và không nên ăn:

  • Nên ăn nhiều rau, củ, quả để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa cho làn da.
  • Nên ăn nhiều các loại cá béo, hạn chế ăn thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.
  • Nên ăn các loại ngũ cốc nguyên cám vì chúng chứa nhiều chất xơ tốt cho cơ thể.
  • Nên uống đủ nước mỗi ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho da, hạn chế khô da.
  • Không nên ăn nhiều các loại thực phẩm chiên rán, thực phẩm nhiều đường, nhiều muối.
  • Nếu có cơ địa dị ứng vì nên tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, hải sản, trứng.
  • Hạn chế uống rượu bia hoặc sử dụng các đồ uống có chứa cồn.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm, món ăn có gia vị cay nóng

Phòng tránh bệnh học

Để hạn chế bệnh á sừng tái phát, ngoài dùng thuốc theo đúng chỉ định, người bệnh cần thực hiện một số điều dưới đây:

  • Hạn chế cào, gãi vào vùng da mắc bệnh để tránh da bị tổn thương, bội nhiễm.
  • Nên tắm rửa hàng ngày để loại bỏ tế bào chết và bụi bẩn trên da.
  • Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày sau khi tắm để cung cấp độ ẩm cho da.
  • Hạn chế sử dụng xà phòng, sữa tắm hoặc các sản phẩm có chứa nhiều chất tẩy rửa.
  • Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để tăng cường sức khỏe và giữ tinh thần luôn thoải mái.
  • Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý theo lời khuyên của bác sĩ.

Bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin về cách điều trị, phòng ngừa bệnh á sừng. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn đọc khi điều trị á sừng. Để á sừng nhanh khỏi, ít tái phát, người bệnh nên điều trị sớm ngay từ khi mới phát hiện bệnh. Tốt nhất nên đến khám tại bệnh viện, phòng khám uy tín để được chỉ định dùng các sản phẩm phù hợp với tình trạng bệnh mình đang mắc phải.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyên khoa

Triệu chứng

Gửi câu hỏi tư vấn