VẢY NẾN

Vảy nến là bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh. Không chỉ ảnh hưởng tới vẻ bề ngoài của người bệnh, vảy nến còn có thể gây ra nhiều biến chứng trên khớp, gan, thận… Vậy nguyên nhân nào dẫn đến vảy nến, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh trên như thế nào?

Định nghĩa

Bệnh vảy nến là gì là thắc mắc của nhiều người? Thầy thuốc Ưu tú Lê Phương, Phó giám đốc chuyên môn Nhất Nam Y Viện cho biết: Vảy nến tiếng Anh là psoriasis, đây là bệnh ngoài ra gây các mảng vảy màu đỏ hoặc trắng bạc ở đầu gối, khuỷu tay, da đầu hoặc trên toàn bộ cơ thể. Bệnh xảy ra khi quá trình sản xuất các tế bào da nhanh hơn bình thường.

Điều này khiến các tế bào da chết không có thời gian để bong ra. Quá trình này kéo dài có thể khiến các tế bào chết tích tụ trên da và gây ra những mảng da dày, sần sùi được bao phủ bởi vảy màu trắng hoặc bạc.

Bệnh thường có xu hướng bùng phát theo chu kỳ vài tuần hoặc vài tháng sau đó thuyên giảm trong một khoảng thời gian. Đây là căn bệnh ngoài da mãn tính và hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách chữa khỏi hoàn toàn.

Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ giúp kiểm soát triệu chứng và hạn chế bệnh tái phát. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính khác nhau. Người trưởng thành là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Với trẻ em, độ tuổi mắc bệnh trung bình là từ 7 - 10 tuổi.

Không chỉ gây ngứa ngáy khó chịu và ảnh hưởng tới vẻ bề ngoài của người bệnh, vảy nến còn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể nếu như không được điều trị hoặc điều trị sai cách.

Vảy nến có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ và gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Vảy nến có thể ảnh hưởng tới thẩm mỹ và gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Nguyên nhân

Hiện nay nguyên nhân gây vảy nến vẫn chưa được các nhà khoa học xác định chính xác, nhưng theo họ hệ thống miễn dịch và di truyền đóng vai trò quan trọng. Thông thường, các tế bào da cần phải mất 10 - 30 ngày để được thay thế.

Tuy nhiên do hệ miễn dịch hoạt động bất thường, các tế bào da của người mắc bệnh vảy nến chỉ cần 3 - 4 ngày để phát triển. Sự tích tụ của các tế bào da cũ và mới có thể tạo ra những lớp vảy màu trắng bạc trên da.

Theo bác sĩ Phương, Vảy nến cũng có xu hướng di truyền trong gia đình, tuy nhiên nó có thể bỏ qua nhiều thế hệ. Ví dụ bố mẹ bị bệnh nhưng lại không truyền sang cho con mà đến đời con cháu mới bị ảnh hưởng.

Ngoài 2 yếu tố trên, vảy nến cũng có thể bùng phát hoặc trầm trọng hơn do những tác nhân dưới đây:

  • Căng thẳng: Đây là một trong những tác nhân gây bệnh vảy nến phổ biến nhất. Đồng thời, một đợt bùng phát vảy nến cũng có thể xảy ra nếu người bệnh bị căng thẳng kéo dài.
  • Tổn thương da: Vảy nến có thể xuất hiện ở những vùng da bị tổn thương do cháy nắng, vết cắn của côn trùng, tiêm phòng... Đây là kết quả của hiện tượng Koebner (tên gọi chung của các bệnh da liễu xuất phát ở những tổn thương trên da).
  • Các bệnh nhiễm trùng: Bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch đều có thể gây ra bệnh vảy nến. Đó là lý do vì sao bạn có thể bị bùng phát bệnh sau khi bị viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm amidan, viêm họng… Các nhà khoa học cũng tìm ra mối liên hệ giữa viêm họng liên cầu với bệnh vảy nến thể giọt ở trẻ em.
  • Thời tiết: Thời tiết lạnh và khô có thể gây bùng phát vảy nến trong khi đó thời tiết ấm áp có thể cải thiện triệu chứng của bệnh.
  • Tác dụng của một số loại thuốc: Một số loại thuốc như thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị sốt rét… có thể làm tăng nguy cơ bùng phát vảy nến hoặc khiến chúng nặng lên.

Triệu chứng và biến chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên, dưới đây là dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất người bệnh vảy nến có thể phải đối mặt:

  • Các mảng da màu đỏ được bao phủ bởi lớp vảy dày màu trắng hoặc bạc trên các vùng da của cơ thể.
  • Các đốm vảy nhỏ (triệu chứng này thường gặp ở trẻ em).
  • Da khô nứt nẻ có thể kèm theo triệu chứng chảy máu.
  • Ngứa rát vùng da bị bệnh.
  • Móng tay, móng chân dày lên hoặc có rãnh.
  • Khớp sưng, cứng và đau…

Đặc trưng của vảy nến là tình trạng da viêm đỏ, khô và bong tróc
Đặc trưng của vảy nến là tình trạng da viêm đỏ, khô và bong tróc

Ngoài các triệu chứng phổ biến trên, ở mỗi thể bệnh vảy nến khác nhau, người bệnh sẽ bắt gặp những triệu chứng riêng biệt. Cụ thể như sau:

  • Bệnh vảy nến mảng bám: Đây là thể vảy nến thường gặp nhất. Bệnh vảy nến thể mảng có thể gây ra các mảng da khô màu đỏ, được bao phủ bởi vảy bạc. Các mảng da này có thể nổi lên trên bề mặt và gây ngứa. Vảy nến mảng bám thường xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu.
  • Bệnh vảy nến móng tay: Vảy nến có thể ảnh hưởng đến móng tay và móng chân của bạn, khiến chúng bị rỗ, phát triển bất thường và đổi màu. Móng bị vảy nến có thể dễ dàng bị bong và gây đau nhức khó chịu.
  • Bệnh vảy nến thể giọt: Bệnh vảy nến này có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em. Nó thường được kích hoạt bởi vi khuẩn liên cầu gây viêm họng. Triệu chứng đặc trưng của loại vảy nến này là những tổn thương nhỏ như hình giọt nước có vảy màu đỏ trên tay, chân hoặc thân…
  • Vảy nến thể nghịch đảo: Loại vảy nến này thường xuất hiện ở các nếp gấp trên da như mông, ngực, bẹn. Triệu chứng của loại vảy nến này là các mảng da màu đỏ, mịn xuất hiện ở các nếp gấp trên da. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi thường xuyên bị đổ mồ hôi nhiều hoặc vùng da mắc bệnh bị cọ xát mạnh. Nhiễm nấm da có thể kích hoạt vảy nến thể nghịch đảo phát triển.
  • Vảy nến thể mủ: Dạng vảy nến này thường hiếm gặp hơn, triệu chứng của thể này là những mụn mủ xuất hiện trên những mảng da màu đỏ.
  • Vảy nến đỏ da toàn thân: Đây là thể bệnh ít gặp nhất trong các loại vảy nến. Vảy nến đỏ da toàn thân có thể khiến toàn bộ cơ thể xuất hiện những nốt mẩn đỏ, bong tróc và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Vảy nến ở cổ: Bị vảy nến ở cổ có thể khiến vùng da cổ xấu xí và khiến người bệnh luôn phải ăn mặc “kín cổng cao tường”. Triệu chứng thường gặp của thể vảy nến này là da ở bị mẩn đỏ thành từng mảng tròn hoặc có hình như giọt nước.
    Vảy nến ở cổ khiến người bệnh mặc cảm, tự ti
    Vảy nến ở cổ khiến người bệnh mặc cảm, tự ti

Dưới đây là một số biến chứng người bệnh có thể gặp phải khi bị vảy nến:

  • Biến chứng ở thận: Người bị bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh về thận như thận hư, suy thận… Ngoài ra, các loại thuốc điều trị vảy nến nếu sử dụng trong thời gian dài cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
  • Biến chứng ở khớp: Viêm khớp là biến chứng thường gặp ở người bệnh. Theo ước tính của các nhà khoa học, có tới 10 - 30% bệnh nhân mắc bệnh có biến chứng viêm khớp.
  • Biến chứng tim mạch, huyết áp: Vảy nến nặng có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp và các bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim, cholesterol cao, xơ vữa động mạch…
  • Rối loạn chuyển hóa: Người mắc bệnh có nguy cơ cao mắc đái tháo đường type 2. Nguyên nhân là do căn bệnh ngoài da này có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu. Ngoài đái tháo đường, bệnh vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như gan nhiễm mỡ, béo phì, mỡ máu…
  • Biến chứng ở mắt: Nếu bị bệnh ở mí mắt hoặc khu vực quanh mắt thì nó có thể gây ngứa mắt, khô mắt và nóng rát mắt. Căn bệnh tự miễn này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ở mắt như viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào...

Rối loạn hệ miễn dịch có thể gây vảy nến thể móng
Rối loạn hệ miễn dịch có thể gây vảy nến thể móng

Giải pháp điều trị

Tùy vào mức độ nghiêm trọng và triệu chứng của bệnh mà người bị vảy nến có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị được sử dụng thường giúp giảm bong tróc da, giảm viêm và làm chậm quá trình tăng sinh của các tế bào da.

Tây y  

Tây y thường được người bệnh vảy nến sử dụng phổ biến vì nó đem lại hiệu quả nhanh chóng, giúp ngăn ngừa vảy nến bùng phát mạnh. Khi áp dụng Tây y để điều trị vảy nến, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định các loại thuốc uống, thuốc bôi trong giai đoạn đầu và liệu pháp ánh sáng, sinh học nếu bị vảy nặng…

Người bệnh có thể cần thử nhiều các loại thuốc, phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm ra loại thuốc giúp điều trị hiệu quả bệnh vảy nến của mình. Các biện pháp Tây y thường được sử dụng để điều trị vảy nến:

Các loại thuốc bôi corticoid giúp giảm ngứa ngáy, bong tróc da hiệu quả
Các loại thuốc bôi corticoid giúp giảm ngứa ngáy, bong tróc da hiệu quả

Liệu pháp tại chỗ

  • Thuốc bôi corticoid: Loại thuốc này thường được bác sĩ kê đơn để điều trị vảy nến từ nhẹ đến trung bình. Các loại thuốc mỡ corticoid nhẹ (hydrocortisone) thường được khuyên dùng cho các vùng da nhạy cảm như ở mặt hoặc nếp gấp trên da. Loại thuốc này có thể được sử dụng 1 lần/1 ngày trong đợt bùng phát. Bác sĩ có thể kê toa thuốc mỡ hoặc kem corticoid mạnh hơn như triamcinolone (Acetonide, Trianex), clobetasol (Temovate) cho những vùng da, ít nhạy cảm hơn hoặc vảy nến khó điều trị.
  • Chất tương tự vitamin D: Các dạng tổng hợp của vitamin D như calcipotriene và calcitriol (Vectical) làm chậm sự phát triển của tế bào da. Loại thuốc này có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với thuốc bôi corticoid.
  • Retinoids: Đây là dẫn xuất của vitamin A tổng hợp có tác dụng giảm viêm, kích thích tái tạo mô liên kết trên da, từ đó giảm tình trạng vảy da do vảy nến.
  • Thuốc ức chế calcineurin: Loại thuốc này giúp giảm viêm và tích tụ mảng bám trên da. Chúng đặc biệt hữu ích với những trường hợp bị vảy nến ở khu vực quanh mặt vì khu vực này không thể sử dụng kem steroid hoặc retinoid.
  • Dầu gội chứa acid salicylic: Sản phẩm này thường được sử dụng để giảm vảy nến ở da đầu.

Liệu pháp ánh sáng

Đây là phương pháp điều trị vảy nến từ trung bình đến nặng, nó có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc. Phương pháp này giúp làm chậm sự phát triển của tế bào trên da, từ đó hạn chế triệu chứng của bệnh.

Điều trị vảy nến bằng UVB
Điều trị vảy nến bằng UVB

Thuốc uống hoặc thuốc tiêm

Nếu bị vảy nến trung bình đến nặng hoặc các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống hoặc tiêm toàn thân. Tuy nhiên, các loại thuốc trị vảy nến chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn và xen kẽ với các phương pháp điều trị khác.

  • Steroid: Nếu bạn bị một số mảng vảy nến nhỏ trên da và kéo dài dai dẳng, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid vào vùng da bị tổn thương.
  • Retinoids: Giúp giảm sản xuất tế bào da, tuy nhiên nó có thể có tác dụng phụ và khô da và đau cơ.
  • Methotrexate: Methotrexate có thể giảm giảm sản xuất tế bào da và ngăn chặn tình trạng viêm. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng một lần duy nhất trong 1 tuần.
  • Cyclosporine: Thường được dùng cho bệnh nhân bị bệnh nặng. Cyclosporin giúp ức chế hệ thống miễn dịch tác động tới các tế bào da.
  • Liệu pháp sinh học: Những loại thuốc này thường được sử dụng bằng cách tiêm vào cơ thể nhằm thay đổi hệ thống miễn dịch và phá vỡ chu kỳ bệnh.

nghiên cứu chế phẩm sinh học chữa vảy nến
Không phải tất cả các bệnh nhân bị vảy nến đều điều trị được bằng phương pháp tiêm sinh học

Các biện pháp Tây y giúp điều trị triệu chứng vảy nến hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh nên dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh gặp những tác dụng phụ nguy hiểm.

Chữa vảy nến tại nhà

Triệu chứng bệnh vảy nến giai đoạn đầu có thể được cải thiện bằng các mẹo dân gian. Bạn có thể áp dụng một trong các mẹo dưới đây để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm.

  • Bột yến mạch: Yến mạch có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho làn da. Tắm bằng bột yến mạch pha với nước có thể giảm ngứa da do vảy nến hiệu quả. Khi tắm, bạn có thể cho bột yến mạch vào một chiếc khăn mỏng sau đó chà xát nhẹ lên da để loại bỏ lớp vảy da. Nên thực hiện phương pháp trên mỗi ngày để giảm triệu chứng vảy nến hiệu quả.
  • Nha đam: Các dưỡng chất trong nha đam giúp cung cấp đủ độ ẩm cho da, chữa lành vết thương, kháng viêm, kháng khuẩn. Bạn có thể lấy gel nha đam xay nhuyễn sau đó thoa lên khu vực bị tổn thương. Massage nhẹ nhàng để da hấp thụ hết các dưỡng chất trong nha đam.
  • Giấm táo: Giấm táo có chứa nhiều hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn nên nó giúp loại bỏ các gốc tự do trên da, đồng thời cân bằng độ pH hiệu quả. Bạn có thể dùng giấm táo pha loãng với nước theo tỷ lệ 1: 1 sau đó dùng một miếng vải sạch thấm giấm táo và thoa lên vùng da bị bệnh. Nên để giấm táo trên da 30 phút sau đó rửa sạch với nước, thực hiện ít nhất 2 lần một ngày để giảm triệu chứng bệnh.

Giấm táo có tác dụng điều trị vảy nến rất tốt
Giấm táo có tác dụng điều trị vảy nến rất tốt

Trị vảy nến bằng dân gian có thể giảm đáng kể triệu chứng của bệnh, tuy nhiên nó không giúp tác động vào căn nguyên gây bệnh do vậy bệnh ngoài da này có thể thường xuyên tái phát. Thêm vào đó, hiệu quả điều trị cũng phụ thuộc vào cơ địa của từng người, người bệnh cần thực hiện trong thời gian dài mới nhận thấy hiệu quả.

Chữa vảy nến bằng đông y

Theo Đông y, vảy nến xảy ra do phong hàn, nhiệt huyết. Để chữa bệnh, các thầy thuốc thường sử dụng các vị thuốc giúp thanh nhiệt, dưỡng huyết, nhuận táo và tăng cường thể trạng. Do sử dụng các thảo dược hoàn tự nhiên nên các bài thuốc Đông y không gây ra các tác dụng phụ và có thể an toàn khi dùng trong thời gian dài.

Các bài thuốc Đông y được sử dụng để điều trị vảy nến:

  • Bài thuốc 1: Hòa mễ, địa hoàng, thạch cao, mỗi vị 20g, kim cang, thương nhĩ, hy tiên, cam thảo đất mỗi vị 16g. Rửa sạch các vị thuốc trên và cho vào nồi sắc với 5 bát nước. Sắc đến khi nước cạn còn 3 bát thì tắt bếp, lọc lấy nước và chia thành 3 lần uống.
  • Bài thuốc 2: Hắc sâm, địa hoàng, kim ngân hoa, thương nhĩ, hà thủ ô, mè đen (hay còn gọi là vừng đen) mỗi vị 12g. Cho tất cả các vị thuốc trên vào sắc với nước và chia thuốc thành 3 lần uống.
  • Bài thuốc 3: Đá tiêu, mang tiêu, khô phàn, dã cúc hoa mỗi vị 15g. Dùng tất cả các nguyên liệu trên đun nước tắm, ngày tắm 1 lần để giảm triệu chứng bệnh hiệu quả.

Các bài thuốc Đông y giúp tác động vào căn nguyên gây bệnh vảy nến
Các bài thuốc Đông y giúp tác động vào căn nguyên gây bệnh vảy nến

Phòng tránh bệnh học

Ngoài dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng nên thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày để phòng ngừa vảy nến tái phát. Dưới đây là một lưu ý khi phòng và điều trị bệnh:

  • Nên vệ sinh da sạch sẽ hàng ngày bằng những sản phẩm dịu nhẹ.
  • Bôi kem dưỡng ẩm hàng ngày sau khi tắm hoặc bất cứ khi nào cảm thấy da bị căng hoặc thô ráp để hạn chế tình trạng khô da.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học bằng cách thêm các loại rau, củ, quả, các loại cá béo… vào chế độ ăn uống hàng ngày. Nên tránh thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường.
  • Tập thiền, yoga hoặc tập thể dục hàng ngày để giảm căng thẳng.
  • Không uống rượu bia và hút thuốc lá để tránh tình trạng mất nước trên da…
  • Bôi kem chống nắng và che chắn cơ thể cẩn thận khi phải đi ra ngoài.
  • Điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là viêm họng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyên khoa

Triệu chứng

Gửi câu hỏi tư vấn