Thế Nào Là Một Chu Kỳ Kinh Nguyệt Bình Thường?

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Độ dài kỳ kinh ở mỗi phụ nữ khác nhau, trung bình khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, một vài chị em có thời gian giữa 2 chu kỳ liên tiếp cách nhau nhiều hoặc ít hơn 28 ngày. Điều này khiến nữ giới lo lắng liệu bản thân có mắc bệnh lý nguy hiểm nào không? Vậy thế nào là chu kỳ kinh nguyệt bình thường? Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời chi tiết câu hỏi này. 

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là gì?

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường ở nữ giới, lặp đi lặp lại đều đặn mỗi tháng, thể hiện khả năng sinh sản. Tùy vào cơ địa mỗi phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ khác nhau, có người 28 ngày, người 30 ngày thậm chí 24 ngày và 32 ngày. 

Thông thường, mỗi tháng, cơ thể nữ giới sẽ giải phóng một trứng và sống trong vòng 24 giờ. Nếu tinh trùng gặp trứng, hiện tượng thụ tinh xảy ra và phôi làm tổ thành công thì người phụ nữ sẽ mang thai. Nếu không, lớp niêm mạc tử cung bị bong ra qua âm đạo và xảy ra chu kỳ kinh nguyệt. 

chu ky kinh nguyet binh thuong
Chu kỳ kinh nguyệt bình thường dài 28 – 32 ngày nhưng tùy vào từng độ tuổi mà thay đổi

Xem thêm

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường bao nhiêu ngày?

Chu kỳ kinh nguyệt 24 ngày có bình thường không? Thực tế, dù chu kỳ kinh nguyệt bình thường dài 28 ngày nhưng tùy vào từng độ tuổi mà thay đổi, có thể dài hoặc ngắn hơn. Cụ thể: 

Đối với bạn nữ dậy thì 

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường là bao nhiêu ngày đối với nữ giới trong giai đoạn dậy thì? Chu kỳ kinh nguyệt của các bạn nữ ở giai đoạn dậy thì không cố định do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Vài tháng đầu, thời gian “dâu” rụng không đúng ngày cũng như số ngày hành kinh và lượng máu cũng khác nhau. 

Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới mới dậy thì thường khoảng từ 21- 45 ngày, có thể dài hoặc ngắn hơn. Sau khoảng 1 năm đầu, trứng sẽ rụng đều đặn giúp kinh nguyệt ổn định hơn. 

Đối với người trưởng thành 

Kinh nguyệt bình thường như thế nào ở người trưởng thành? Chu kỳ kinh nguyệt của chị em trong độ tuổi này thường vào khoảng 28 ngày khi không đặt vòng hoặc không sử dụng bất kỳ hình thức tránh thai nào. Vậy chu kỳ kinh nguyệt 35 ngày có bình thường không? 

Thực tế, thời gian giữa 2 chu kỳ rụng “dâu” có thể sớm hoặc muộn hơn 7 ngày, đồng nghĩa với việc chu kỳ kinh nguyệt dao động từ 21- 35 ngày hoàn toàn bình thường tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, nếu chu kỳ kéo dài hoặc ngắn hơn khoảng thời gian trên thì chị em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám càng sớm càng tốt.  

chu ky kinh nguyet binh thuong
Thời gian giữa 2 chu kỳ rụng “dâu” có thể sớm hoặc muộn hơn 7 ngày

Xem thêm

Các triệu chứng thường xuất hiện trong kỳ kinh nguyệt 

Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, chị em hoàn toàn có thể gặp các triệu chứng dưới đây:

Đau bụng, đau lưng

Đa số các chị em đều bị đau bụng kinh vào những ngày trước ngày hành kinh và kéo dài suốt chu kỳ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do co thắt tử cung làm bong lớp nội mạc khi không diễn ra chu kỳ. 

Mức độ đau bụng khác nhau ở mỗi người, có chị em chỉ đau âm ỉ, nhẹ nhàng nhưng cũng có người đau dữ dội. Cảm giác đau nhức có thể lan sang phần lưng dưới và đùi trên gây ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường.

Ngực căng 

Trong thời kỳ kinh nguyệt, nhiều chị em cảm giác ngực đau nhức và căng tức do nội tiết tố thay đổi và progesterone tăng cao. Triệu chứng này có thể nặng hoặc nhẹ tùy vào cơ địa mỗi người. Để giảm đau, chị em có thể sử dụng miếng gạc lạnh hoặc massage ngực bằng dầu ô-liu/dầu dừa ấm. 

Cơ thể mệt mỏi 

Gần đến chu kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố giảm dần và cảm xúc bất ổn khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress. Thậm chí, nhiều chị em còn bị mất ngủ trong giai đoạn này nên càng dễ uể oải vào ban ngày. 

Gặp vấn đề về tiêu hóa 

Những vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, tiểu tiện nhiều hơn bình thường rất phổ biến ở chị em đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Để giảm đầy hơi, nữ giới nên uống nhiều nước lọc hoặc các loại trà thảo dược, trà xanh, giảm lượng muối, tinh bột và đường. Ngoài ra, trong chu kỳ kinh nguyệt prostaglandin được giải phóng cũng làm thành tử cung co thắt lại khiến phụ nữ buồn nôn, mệt mỏi. 

chu ky kinh nguyet binh thuong
Gần đến chu kỳ kinh nguyệt, nội tiết tố giảm dần khiến cơ thể mệt mỏi

Thay đổi cảm xúc

Trong thời gian hành kinh, mức độ estrogen và progesterone thay đổi làm giảm cảm giác hạnh phúc, khiến bạn dễ buồn, cáu kỉnh hơn bình thường, thậm chí là trầm cảm. Nhiều chị em trong giai đoạn này có thể khóc bất chợt không rõ lý do và quá mẫn cảm với lời nói của người khác. 

Thay đổi cân nặng

Nội tiết tố thay đổi khiến cơ thể tích nước và muối nhiều hơn bình thường. Từ đó khiến gây nên tình trạng chướng bụng và tăng cân. Triệu chứng này sẽ kéo dài khoảng 2-3 ngày, đặc biệt vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt bình thường.

Nổi mụn trứng cá

Theo một số nghiên cứu, mụn trứng cá dần gia tăng trước khi kỳ nguyệt bắt đầu khoảng 1 tuần, thường xuất hiện ở cằm, đường viền hàm hoặc lưng. Nguyên nhân do nội tiết tố androgen tăng nhẹ kích thích sản xuất bã nhờn ở các tuyến da làm mụn trứng cá nổi lên nhiều. Thông thường, mụn sẽ tự biến mất vào thời gian gần cuối kỳ kinh nguyệt nên chị em hạn chế nặn mụn non, tránh để lại sẹo thâm ngoài ý muốn. 

Lượng máu kinh nguyệt như thế nào là bình thường?

Lượng máu ra trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường như thế nào cũng là thắc mắc của nhiều chị em phụ nữ. Thông thường, lượng máu này sẽ dao động vào khoảng 30- 80ml/chu kỳ với thời gian hành kinh từ 3- 5 ngày. Lượng máu sẽ thay đổi khi số ngày hành kinh nhiều hoặc ít hơn, đây được xem là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, cụ thể: 

  • Máu kinh ra nhiều hơn 80ml trong mỗi chu kỳ được gọi là cường kinh. Tình trạng này gây mất máu nhiều dẫn đến hoa mắt, chóng mặt và ngất xỉu. 
  • Máu ra ít hơn 30ml được gọi là thiếu kinh. 

Nhiều chị em cho rằng lượng máu khi hành kinh thay đổi là bình thường nên mặc kệ. Tuy nhiên, đó lại là lời cảnh báo nữ giới có thể đang gặp những vấn đề về sức khỏe sinh sản. Để ước lượng lượng máu kinh, chị em có thể dùng cốc nguyệt san hoặc dựa trên số lượng băng vệ sinh sử dụng (4 tiếng thay một lần). 

Ngoài ra, chị em cũng không nên quá lo lắng khi kinh nguyệt có mùi tanh nhẹ của máu vì đây hoàn toàn là điều bình thường. Chỉ khi, mùi tanh này giống như mùi cá thối, rất tanh hoặc nồng thì chị em mới cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám. Lưu ý, nữ giới không nên che đậy mùi tanh bằng các loại khử mùi âm đạo hoặc nước hoa vùng kín, dễ gây nhiễm trùng. 

chu ky kinh nguyet binh thuong
Lượng máu sẽ thay đổi khi số ngày hành kinh nhiều hoặc ít hơn

Xem thêm

Chu kỳ kinh nguyệt như thế nào thì cần gặp bác sĩ?

Chu kỳ kinh nguyệt 45 ngày có bình thường không? Khi nào cần đến gặp bác sĩ để thăm khám? Có thể thấy, chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ có sự dao động nhẹ về số ngày hành kinh cũng như độ dài chu kỳ do thay đổi chế độ ăn uống, môi trường sống hoặc tâm lý. Tuy nhiên, nếu chu kỳ hành kinh xuất hiện những bất thường sau thì chị em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám ngay: 

  • Số ngày hành kinh kéo dài 7- 10 ngày, lượng máu nhiều không có dấu hiệu giảm. 
  • 90 ngày liên tiếp không có kinh nguyệt và cũng không mang thai. 
  • Độ dài chu kỳ kinh nguyệt bất thường, không cố định mỗi tháng. 
  • Kinh nguyệt có 2 lần/tháng hoặc hơn 40 ngày có 1 lần. 
  • Máu kinh màu đỏ xám, nâu đen và loãng. 
  • Đau bụng dưới thường xuyên, đặc biệt cơn đau dữ dội vào ngày “dâu rụng”.
  • Bất ngờ ốm sốt khi dùng băng vệ sinh trong kỳ kinh. 
  • Chậm kinh nhiều ngày do quan hệ tình dục không an toàn trước đó. 
  • Thường xuyên choáng váng, buồn nôn chóng mặt và mạch đập nhanh trong kỳ kinh. 

Hi vọng với những thông tin chúng tôi chia sẻ ở trên sẽ hữu ích đối với bạn đọc, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Ngoài theo dõi khoảng cách giữa các kỳ kinh cũng như lượng máu kinh hàng tháng để xác định chu kỳ kinh nguyệt bình thường hay không, chị em nên chủ động đi khám phụ khoa mỗi năm từ 1-2 lần. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *