[Cập Nhật] Phác Đồ Điều Trị Viêm Nang Lông Của Bộ Y Tế

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Viêm nang lông là bệnh da liễu thường gặp ở những người còn trẻ do thói quen vệ sinh da kém hoặc do hệ miễn dịch suy yếu,… Bệnh mặc dù không gây nguy hại đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp tới tính thẩm mỹ và đời sống sinh hoạt của người mắc. Vậy làm cách nào để chẩn đoán, phác đồ điều trị viêm nang lông giúp giải quyết triệt để vấn đề là gì? Những thông tin có trong bài viết dưới đây của Nhất Nam Y Viện sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này. 

Chẩn đoán viêm nang lông

Trước khi tìm hiểu phác đồ điều trị viêm nang lông mang lại hiệu quả tốt, chúng ta cần biết làm cách nào để chẩn đoán bệnh lý. Được biết, thủ phạm chính gây bệnh viêm nang lông chính là vi khuẩn tụ cầu vàng ký sinh trên da và trực khuẩn mủ xanh – Pseudomonas aeruginosa . 

phac do dieu tri viem nang long
Chẩn đoán viêm nang lông chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng

Ngoài ra, viêm nang lông còn có thể hình thành do vi nấm, virus hoặc do bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy thận, thiếu máu, béo phì,… Nhìn chung, trong cuộc sống có rất nhiều yếu tố thuận lợi có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm nang lông. 

Khi chẩn đoán bệnh viêm nang lông, bác sĩ chủ yếu sẽ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, cụ thể là:

  • Xuất hiện những nốt sần nhỏ ở nang lông kèm hiện tượng tiết vảy, mặc dù không gây đau nhưng nếu không được điều trị khỏi hoặc điều trị sai cách, bệnh có thể để lại sẹo.
  • Vị trí viêm rải rác khắp cơ thể, trừ lòng bàn tay – bàn chân. Viêm nang lông thường bị nhiều ở phần mặt, cổ, lưng, đùi, vùng sinh dục, cẳng tay, cẳng chân và mặt ngoài cánh tay,… 
  • Phần lớn trường hợp bị viêm nang lông đều không xuất hiện nhiều tổn thương nên người bệnh không chú ý. Rất ít người bị tổn thương nhiều hoặc tái phát, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. 

Tình trạng viêm nang lông rất dễ bị nhầm với nhọt, sẩn ngứa. Nhưng nhọt là tình trạng viêm nang lông cấp tính gây hoại tử tế bào. Vùng da bị mụn nhọt sẽ nóng, sưng đỏ, đau rát và có cảm giác ngứa ngáy nhẹ. Khi nốt nhọt chín, chúng sẽ hóa mủ có ngòi ở giữa nên cần dẫn lưu mủ ra ngoài. Trong khi đó, sẩn ngứa lại là những tổn thương bên ngoài nang lông gây ngứa ngáy. 

Để tránh bị nhầm lẫn, tốt nhất bạn nên tới bệnh viện để thăm khám, kiểm tra và xử lý theo chỉ định từ bác sĩ. 

Xem thêm

Phác đồ điều trị viêm nang lông mới nhất

Sau khi đã có kết quả thăm khám, chẩn đoán cụ thể, bác sĩ sẽ dựa theo đó để lên phác đồ điều trị viêm nang lông cho bệnh nhân. Phác đồ điều trị này giúp loại bỏ các yếu tố thuận lợi gây viêm, kiểm soát triệu chứng và hạn chế nguy cơ để bệnh lan rộng, để lại biến chứng. 

Vệ sinh da với dung dịch sát khuẩn

Vệ sinh da với dung dịch sát khuẩn sẽ giúp loại bỏ và tiêu diệt vi khuẩn, virus gây viêm nhanh chóng. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều dung dịch sát khuẩn mà bạn có thể lựa chọn để sử dụng cho trường hợp này, chẳng hạn như:

  • Dung dịch sát khuẩn chứa hoạt chất acid hypochlorous.
  • Dung dịch Chlorhexidine 4%.
  • Povidone – iodine 10%.
  • Hexamidine 0.1%.
phac do dieu tri viem nang long
Dung dịch sát khuẩn, vệ sinh da Povidone – iodine 10%

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, bạn chỉ nên sử dụng dung dịch sát khuẩn từ 2 – 4 lần/ngày. Chi tiết về cách sử dụng có thể tham khảo thêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. 

Xem thêm

Phác đồ điều trị viêm nang lông bằng thuốc kháng sinh

Khi da đã được vệ sinh sạch sẽ, người bệnh có thể sử dụng các loại kháng sinh phù hợp để loại bỏ các yếu tố gây bệnh. Với những trường hợp nhẹ, các bạn sẽ được chỉ định dùng kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ trong vòng 7 – 10 ngày như:

  • Kem bôi Silver sulfadiazine 1% dùng bôi 1 – 2 lần/ngày.
  • Thuốc mỡ Mupirocin 2% dùng bôi 3 lần/ngày. 
  • Thuốc mỡ Neomycin ngày bôi 2 – 3 lần.
  • Kem bôi, thuốc mỡ chứa axit Fusidic dùng bôi với tần suất 1 – 2 lần/ngày. 
  • Dung dịch Clindamycin hoặc Erythromycin dùng bôi 1 – 2 lần/ngày. 

Với những đối tượng bị viêm nang lông nặng hơn, các bạn sẽ cần dùng cả thuốc bôi tại chỗ và thuốc điều trị toàn thân bằng kháng sinh trong tối đa 7 – 10 ngày. Các loại thuốc thường được sử dụng là Clindamycin, Cloxacillin, Vancomycin và Amoxicillin/Clavulanic. 

Những trường hợp nghi ngờ bị viêm nang lông do nhiễm nấm, vi khuẩn gram âm, virus herpes có thể được chỉ định dùng thuốc như sau:

  • Nhóm Amoxillin, β – lactamin, nhóm cephalosporin, metronidazole, ciprofloxacin, cyclin,… dùng cho những trường hợp bị viêm nang lông do tụ cầu.
  • Với bệnh viêm nang lông do nhiễm vi khuẩn gram âm cần phải ngưng sử dụng kháng sinh đang dùng mà thay thế bằng ceftazidime, benzoyl peroxide hay ampicillin,…
  • Canesten, Nizoral, Mycoster là thuốc được chỉ định khi bị viêm nang lông do nhiễm nấm. 
  • Kem bôi acyclovir, thuốc uống acyclovir được dùng để trị viêm nang lông do nhiễm virus herpes.
  • Kem bôi metronidazol, kem permethrin kết hợp với thuốc uống metronidazol trị viêm nang lông do nhiễm ký sinh trùng Demodex. 

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ có thể cân nhắc về việc thay đổi phương pháp điều trị viêm nang lông nếu việc dùng thuốc không mang lại hiệu quả. Lúc này, bạn có thể được chỉ định thực hiện liệu pháp ánh sáng, laser, tiểu phẫu,… 

phac do dieu tri viem nang long
Sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị viêm nang lông từ bác sĩ

Biện pháp hỗ trợ

Chữa viêm nang lông cũng như phần lớn những bệnh lý khác. Bên cạnh việc dùng thuốc, các bạn cũng cần loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, trong quá trình điều trị, các bạn cần chăm sóc và thay đổi một số thói quen để giúp bệnh nhanh chóng được kiểm soát và điều trị dứt điểm. 

Cụ thể, người bị viêm nang lông cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ điều trị như:

  • Tắm mỗi ngày, gội đầu 2 – 3 lần/tuần và sau khi tắm nên dùng khăn sạch lau người, giặt sạch khăn để giảm nguy cơ lây nhiễm. 
  • Khi tắm nên thoa nhẹ nhàng, không cào giã, chà xát quá mạnh lên da và chỉ tắm trong khoảng 10 – 15 phút.
  • Có thể tận dụng các mẹo chữa dân gian để làm dịu da, giảm ngứa, giúp da mềm mịn, căng bóng hơn.
  • Hạn chế tẩy tóc, cạo, wax lông hay sử dụng các hóa chất độc hại, sản phẩm chứa kiềm lên da. Nếu phải cạo râu, bạn nên dùng chất bôi trơn và dùng lưỡi dao sắc dọn để hạn chế các tổn thương trên da. 

Trên thực tế các bạn không cần quá lo lắng vì viêm nang lông có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc da và dùng thuốc theo đúng liều lượng, tần suất để giúp bệnh sớm được kiểm soát, loại bỏ. 

Xem thêm

Hướng dẫn cách phòng ngừa viêm nang lông

Ngoài việc quan tâm tới các phác đồ điều trị viêm nang lông, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người cần áp dụng các biện pháp sau:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ mỗi ngày bằng xà phòng – sữa tắm dịu nhẹ, an toàn với da. Không sử dụng nước quá nóng hoặc quá lạnh để tắm, chỉ nên dùng nước ấm để tránh làm da bị khô hoặc bong tróc.
  • Cấp ẩm cho da mỗi ngày, nhất là vào mùa đông với những dòng sản phẩm phù hợp với tình trạng da (da khô, da dầu, da hỗn hợp, da nhạy cảm).
  • Không cào gãi, chà xát mạnh lên da và tiến hành điều trị sớm khi có các tổn thương trên da.
  • Tránh các yếu tố thuận lợi như môi trường nóng ẩm, ô nhiễm môi trường, khói bụi, hóa chất, dầu mỡ,… 
  • Chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt để có được sức khỏe tốt cũng như giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cải thiện làn da sáng khỏe, mềm mịn.
  • Uống nhiều nước, tốt nhất nên đảm bảo cung cấp đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày cho cơ thể. Có thể sử dụng nước ép trái cây để bổ sung thêm nhưng cần hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích, uống rượu bia, nước ngọt có ga, cà phê,… 
phac do dieu tri viem nang long
Uống nhiều nước để giúp da luôn ẩm mịn
  • Ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trên da hãy tới bệnh viện thăm khám và xử lý ngay. 
  • Không mặc đồ hoặc dùng chung đồ cá nhân với người khác. Đồng thời cần tránh mặc đồ quá bó sát, nên chọn những loại vải mềm mịn, có tính thấm hút mồ hôi tốt. 
  • Sau khi tắm xong, cần thấm khô da rồi mới mặc đồ, quần áo thay ra nên giặt luôn và phơi dưới trời nắng để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn, vi nấm, bụi bẩn.

Trên đây là những thông tin liên quan tới phác đồ điều trị viêm nang lông cùng các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Viêm nang lông là bệnh lý da liễu phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị dứt điểm nếu có một thói quen sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, khoa học. Đồng thời cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ để hạn chế nguy cơ tái phát, nhiễm bệnh. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *