Suy thận mạn là gì? Có chữa khỏi được không?

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Suy thận mạn là tổn thương thận mãn tính do chức năng thận bị suy giảm dần dần và không có khả năng hồi phục. Đây là tình trạng bệnh rất nguy hiểm, có thể diễn tiến thành suy thận mạn giai đoạn cuối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Suy thận mạn tính là gì?

Thận là một cơ quan rất quan trọng đối với cơ thể, bao gồm 2 quả thận nằm đối xứng hai bên cột sống ở vị trí hố thắt lưng. Cơ quan này có chức năng lọc máu, bài tiết nước tiểu, bài tiết chất thải và cân bằng điện giải cho cơ thể. Bên cạnh đó, thận còn giúp duy trì sự ổn định của huyết áp, tham gia vào quá trình tạo máu.

Tìm hiểu chi tiết

Chức năng của thận là gì? Đặc điểm và cấu tạo của thận

Một số bệnh thận – tiết niệu mạn tính có thể khiến thận bị tổn thương, chức năng thận suy giảm dần dần, thậm chí mất khả năng hồi phục, từ đó gây ra tình trạng suy thận mạn.

suy than man
Suy thận mạn là tổn thương thận mãn tính do chức năng thận bị suy giảm dần dần

Lúc này, mức lọc máu cầu thận bị giảm sút, người bệnh có thể bị rối loạn điện giải, tăng huyết áp và thiếu máu mãn tính. Bệnh diễn tiến theo từng đợt và dẫn tới giai đoạn cuối nếu không được điều trị kịp thời.

Suy thận mãn tính giai đoạn cuối khiến người bệnh cần được điều trị thay thế bằng các phương pháp như lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Nguyên nhân gây suy thận mạn

Nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn là do người bệnh có các bệnh lý nền về thận dẫn tới biến chứng suy thận. Một số nguyên nhân gây suy thận là:

  • Bệnh lý ở cầu thận: Các bệnh lý ở cầu thận bao gồm: Viêm cầu thận cấp, mạn tính; hội chứng thận hư hoặc viêm cầu thận do các bệnh hệ thống… chiếm tới 40% số lượng bệnh lý gây ra suy thận mạn.
  • Bệnh lý về ống kẽ thận mạn.
  • Người bệnh bị tăng huyết áp hoặc đái tháo đường gây tổn thương thận.
  • Suy thận mãn tính do bệnh lý thận bẩm sinh hoặc di truyền.
  • Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian dài hoặc mắc các bệnh tự miễn có nguy cơ cao bị suy thận.
  • Lạm dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng làm tăng nguy cơ tổn thương thận dẫn đến dấu hiệu suy thận.
  • Một số bệnh lý như tắc mạch động mạch thận, suy tim sung huyết, nhiễm trùng đường tiết niệu…. có thể làm giảm lượng máu đến thận hoặc gây tắc nghẽn đường tiểu dẫn tới tổn thương thận.

Triệu chứng

Suy thận mạn thường không có những biểu hiện rõ ràng. Hầu hết các triệu chứng của bệnh lý này chỉ xuất hiện khi thận bị tổn thương nặng nề. Theo đó, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng tiêu biểu sau:

  • Thiếu máu: Đây là triệu chứng phổ biến ở những người có biểu hiện suy thận. Người bệnh có các biểu hiện như da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt và bị hoa mắt, chóng mặt. Mức độ thiếu máu tỉ lệ thuận với mức độ nặng của bệnh.
  • Tăng huyết áp: Là triệu chứng rất hay gặp và nguy hiểm. Người bị tăng huyết áp trong thời gian dài có nguy cơ biến chứng suy tim, xơ vữa động mạch và rối loạn nhịp tim.
  • Người bệnh có các dấu hiệu chuột rút, có cảm giác kiến bò và bỏng rát ở chân.
  • Người bệnh bị chán ăn, buồn nôn và rối loạn tiêu hóa.
  • Trong trường hợp suy thận giai đoạn cuối, người bệnh có thể gặp phải các rối loạn tâm thần và rơi vào hôn mê.
  • Bị phù khi bệnh vào giai đoạn cuối.
suy than man
Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng sưng phù

Chẩn đoán và điều trị

Để điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi có các triệu chứng bệnh.

Các kỹ thuật chẩn đoán

Các bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán tình trạng suy thận. Các triệu chứng quan trọng, rất có giá trị để chẩn đoán suy thận mạn là tình trạng tăng ure máu, định lượng creatinin trong máu tăng cao và mức lọc cầu thận giảm.

Các kỹ thuật được áp dụng để chẩn đoán suy thận mạn là:

  • Chẩn đoán hình ảnh bằng chụp X quang, siêu âm hoặc UIV cho hình ảnh sỏi thận, dị dạng thận, nang thận và kích thước thận giảm, không đều ở 2 bên.
  • Xét nghiệm nước tiểu để phát hiện protein trong nước tiểu.
  • Xạ hình chức năng thận.

Suy thận mạn có chữa khỏi được không?

Suy thận mãn tính có chữa khỏi được không là thắc mắc của rất nhiều người bị suy thận. Trên thực tế, suy thận mạn không thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi người bệnh bị suy thận mạn, chức năng thận không thể phục hồi.

Thậm chí, khi bị suy thận giai đoạn cuối, người bệnh không thể áp dụng các phương pháp điều trị triệu chứng bệnh mà cần áp dụng biện pháp lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

suy than man
Bệnh lý này không thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong giai đoạn cuối người bệnh cần được lọc máu nhân tạo

Phương pháp điều trị

Để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối và giảm thiểu các triệu chứng bệnh, người bị suy thận mãn có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:

Điều trị theo Tây y

Tây y áp dụng các loại thuốc để hỗ trợ chức năng thận. Khi chức năng của thận suy giảm trầm trọng thì cần thực hiện biện pháp chạy thận nhân tạo.

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Đây là phương pháp điều trị then chốt. Người bệnh cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó điều trị bằng các biện pháp can thiệp hoặc sử dụng thuốc, thay đổi chế độ dinh dưỡng và lối sống hàng ngày.

Điều trị triệu chứng bệnh

  • Điều trị tăng huyết áp bằng cách sử dụng thuốc điều hòa huyết áp và thuốc lợi tiểu.
  • Điều trị thiếu máu bằng cách sử dụng Erythropoietin tiêm dưới da và bổ sung sắt, axit folic cho cơ thể.
  • Kiểm soát rối loạn lipid máu bằng nhóm thuốc giảm nồng độ cholesterol xấu như statin, gemfibrozil.
  • Điều trị loãng xương bằng cách bổ sung vitamin D, canxi và hạn chế phốt pho trong khẩu phần ăn.
  • Điều trị rối loạn điện giải.

Điều trị bệnh giai đoạn cuối

Khi bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối, cơ thể không còn có khả năng đào thải độc tố và điều hòa điện giải, ổn định huyết áp…, người bệnh cần được điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận nhân tạo.

Chạy thận nhân tạo là phương pháp cần thiết được áp dụng khi thận bị suy giảm chức năng lọc máu.

Điều trị bằng mẹo dân gian

Điều trị suy thận bằng các mẹo dân gian từ những thảo dược tự nhiên cũng có tác dụng điều trị bệnh lý suy thận hiệu quả. Áp dụng đều đặn các bài thuốc có thể giảm tác dụng phụ của việc lạm dụng thuốc Tây y và giúp điều hòa hoạt động thận, tăng cường chức năng thận.

  • Chữa suy thận bằng đậu đen

Đậu đen chứa nhiều chất xơ và một số hoạt chất khác giúp thanh lọc cơ thể, lọc máu, giảm áp lực hoạt động thận và tăng cường chức năng thận. Dùng đậu đen chữa suy thận bằng cách:

Chuẩn bị 40gr đậu đen và cá nhét. Làm sạch cá nhét, nướng sơ qua và nấu với đậu đen. Nấu cá và đậu đen cho đến khi đậu mềm thì nêm nếm gia vị và cho thêm gừng, tỏi vào. Lưu ý hạn chế muối trong khi nấu. Sử dụng món ăn này thường xuyên có thể hỗ trợ hoạt động của thận rất tốt.

  • Chữa suy thận bằng râu ngô

Râu ngô là một vị thuốc lợi tiểu, thanh nhiệt và thải độc rất tốt. Chính vì thế, râu ngô được sử dụng nhiều trong các bài thuốc điều trị chứng suy thận. Dùng râu ngô chữa suy thận bằng cách:

Chuẩn bị 30gr râu ngô, 10gr hạt tía tô, 50gr bạch mao căn. Sắc các nguyên liệu trên với lượng nước thích hợp và chia làm 2 lần uống hết trong ngày.

suy than man
Râu ngô có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, hỗ trợ chức năng thận

Cách phòng ngừa suy thận mạn

Suy thận là tình trạng rất nguy hiểm, khó điều trị và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tốn kém kinh tế khi điều trị bệnh. Một số lưu ý dưới đây có thể phòng ngừa suy thận mạn hiệu quả:

  • Mỗi người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, ít nhất 6 tháng/lần để có thể phát hiện sớm các bệnh lý về thận.
  • Những người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao bị suy thận như người bị tăng huyết áp, tiểu đường và có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh cần tầm soát suy thận định kỳ.
  • Nếu bị các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, hiện tượng sỏi thận…, người bệnh cần được điều trị tích cực và triệt để.
  • Có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh bằng cách bổ sung các loại rau xanh, vitamin cho cơ thể, giảm protein, giảm muối trong bữa ăn và từ bỏ thuốc lá, rượu bia. Cần tích cực vận động, tập luyện thể thao vừa sức.
  • Khi có các triệu chứng bệnh lý về thận, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị.

Suy thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị triệu chứng để ngăn ngừa biến chứng bệnh sang giai đoạn cuối. Người bệnh cần nắm rõ những thông tin về bệnh lý để chủ động hơn trong việc điều trị và chăm sóc bản thân, giúp hồi phục sức khỏe một cách tốt nhất.

Đọc ngay

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *