ĐIỂN TÍCH VỀ THẦN Y BIỂN THƯỚC – LUẬN BÀN VỀ PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Thần y Biển Thước là một vị danh y nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại. Đi đến đâu có bệnh nghiêm trọng, ông đều có thể trị khỏi hết bệnh ở nơi đó, không bệnh gì là không chữa được. Do vậy, người đời mệnh danh ông là “thần y”.

Biển Thước

Những giai thoại về “thần y” Biển Thước

Biển Thước, tên thật là Tần Việt Nhân, hiệu Lư Y, là người quận Bột Hải – Mạc Châu – thuộc nước Trịnh (nay là huyện Nhâm Khâu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc). Ông sinh vào khoảng năm 401 TCN.

Biển Thước là một thầy thuốc trứ danh thời Chiến Quốc và được xem là một trong những danh y đầu tiên được ghi chép sớm nhất trong các thư tịch của lịch sử Y học cổ truyền phương Đông.

Tương truyền ông chính là người khai sinh ra phương pháp bắt mạch, là người đặt tiền đề quan trọng cho Đông y. Do tiếng tăm và các điển tích thần kỳ, về sau Biển Thước cùng Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được hậu thế xưng tụng là Tứ đại danh y. Tác phẩm của ông còn có Biển Thước nội kinh, Biển Thước ngoại kinh và Nạn kinh.

Thời còn trai trẻ, Tần Việt Nhân kiếm sống bằng nghề làm chủ một quán trọ. Lúc đó, có một lương y biệt danh là Trường Tang Quân thường trọ tại quán của Việt Nhân. Việt Nhân rất kính trọng vị lương y này, nên đã phục vụ rất chu đáo và không lấy tiền. Để đáp lại tấm lòng đó, Trường Tang Quân nhận Việt Nhân làm học trò và truyền hết sở học cho ông.

Khi tay nghề đã thành thạo, Việt Nhân chuyển hẳn sang nghề thầy thuốc này, dần dần trở nên nổi tiếng. Vì ông chữa bệnh quá tài tình nên được dân chúng nước Triệu tặng cho biệt hiệu Biển Thước tiên sinh. Tương truyền rằng Biển Thước là tên 1 vị thần y sống vào thời Hoàng Đế.

Có một thời, thuật đồng bóng đang lan tràn khắp Trung Quốc, nghề y bị lạnh nhạt. Nhiều người mắc bệnh không chịu uống thuốc mà cứ rước đồng bóng về để “đuổi quỷ, trừ tà”. Thậm chí nhiều nước chư hầu còn đặt ra các chức quan “đại chức”, “tư vu” để chuyên lo việc này.

Biển Thước rất ghét thói mê tín ấy, thường xuyên đấu tranh chống lại nó một cách kiên trì, và thông qua hoạt động chữa bệnh có hiệu quả của mình để vạch trần trò hề mê tín của đồng bóng. Căn cứ vào kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm nhiều năm làm nghề của mình, Biển Thước đúc kết thành “tứ chẩn” trong phép khám và điều trị là nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch. Ngoài việc vận dụng thành thạo “tứ chẩn” để đoán bệnh, Biển Thước sử dụng nhiều biện pháp trị liệu như châm kim đá, châm cứu, xoa nóng, xoa bóp, mổ xẻ, cho uống thuốc,…

Đến cuối đời, danh tiếng Biển Thước ngày càng lớn, càng khiến cho nhiều người ganh ghét, trong đó có một viên quan Thái y nước Tần tên Lý Ê. Hắn vốn là kẻ bất tài, thấy y thuật Biển Thước hơn người, sợ một ngày nào đó có thể thay vị trí của hắn nên đang tâm âm mưu giết  Biển Thước.

Năm Chu Noãn vương thứ 5 (310 TCN), Biển Thước diện kiến Tần Vũ vương. Sau khi nghe vua Tần kể bệnh Biển Thước xin được điều trị. Một số người can ngăn vua Tần: “Đại vương đau ở phía trước tai, phía dưới mắt. Trị chưa chắc đã hết, không khéo tai lại hóa điếc, mắt hóa mờ mất”. Tần Vũ vương vốn nhát, nghe vậy bèn thôi, không cho Biển Thước trị bệnh. Biển Thước giận dữ, liệng cục đá đồ nghề xuống đất, mắng vua Tần: “Đại vương vấn kế bậc trí giả mà lại nghe lời kẻ ngu để hỏng việc. Điều đó cho tôi thấy chính trị của nước Tần như thế nào, nước Tần có thể mất vì đại vương đấy”.

Sau khi chẩn bệnh cho Tần Vũ vương xong, Biển Thước rời đi. Khi đến mặt bắc của Ly Sơn, Lý Ê đã sai người lén phục kích bên hông đường nhỏ chờ Biển Thước đến và giết chết ông. Tương truyền khi ấy ông đã khoảng 90 tuổi. Nhân dân ở nhiều địa phương rất thương tiếc, đã cho dựng mộ, bia và thờ Biển Thước ở Thiểm Tây, Sơn Đông, Hà Bắc,…

Tương truyền về y thuật của Biển thước

Trong cuốn sử lược Xuân Thu Chiến Quốc có viết tương truyền có một lần Ngụy Văn Hầu hỏi Biển Thước: “Tôi nghe nói ba anh em ngài đều là thần y. Vậy y thuật của ai là cao siêu nhất?”

Biển Thước trả lời: “Y thuật của đại ca tôi là cao nhất, sau đó đến nhị ca và cuối cùng là tôi”.

Ngụy Văn Hầu ngạc nhiên hỏi: “Vậy tại sao chỉ có ông là nổi danh lừng lẫy thiên hạ? Hai người họ thì một chút danh tiếng cũng không có?”

Biển Thước trả lời: “Y thuật của đại ca tôi cao, có thể tránh được cho bệnh không xảy ra. Khi bệnh của một người còn chưa phát, đại ca vừa nhìn khí sắc là phát hiện ra ngay. Sau đó, ông ấy sẽ dùng thuốc cho người đó uống khỏi, cho nên người trong thiên hạ đều cho là ông ấy không biết trị bệnh. Vì vậy, ông ấy một chút danh tiếng cũng không có. Khả năng trị bệnh của nhị ca tôi cũng rất cao. Ông ấy có thể trị bệnh ngay khi bệnh còn ở thời điểm bắt đầu, tránh cho họ bị lâm bệnh nặng. Khi người bệnh vừa cảm mạo ho khan thì ông ấy đã dùng thuốc chữa khỏi rồi. Cho nên, danh tiếng của nhị ca tôi chỉ vẻn vẹn ở trong phạm vi quê nhà, bị mọi người gọi là bác sĩ trị bệnh nhẹ”.

Biển Thước ngừng một lát rồi lại nói: “Còn tôi, cũng bởi vì có y thuật kém cỏi nhất nên nhất định phải đợi đến lúc người bệnh bị nguy kịch, hấp hối rồi mới cắt thuốc được. Nhờ uống thuốc, họ từ chết đi lại được sống lại nên toàn bộ thế giới mới cho tôi là thần y. Ngẫm nghĩ lại, cách trị bệnh của đại ca tôi là không làm tổn thương nguyên khí của người bệnh. Cách trị bệnh của nhị ca tôi là chỉ để người bệnh bị tổn thương một chút nguyên khí, bồi bổ một chút sẽ nhanh khỏi. Còn tôi, cứu được mạng của người ta nhưng nguyên khí bị thương nặng mất rồi. Ngài nói xem, y thuật của ai cao nhất?”

Luận bàn về phòng và trị bệnh

Sách Nội kinh – bộ “Thánh kinh” của Y học cổ truyền phương Đông có viết: “Bậc thánh y không chờ tới khi có bệnh mới chữa trị mà chữa khi chưa có bệnh. Bệnh đã hình thành mới tìm cách chữa thì có khác gì xã hội rối loạn mới tìm cách chấn chỉnh, khát nước mới đào giếng, giặc tới mới đúc binh khí, há chẳng phải đã quá muộn sao?”.

Trong nguyên lý điều trị bệnh của Y cổ truyền, phòng bệnh được đặt ở vị trí tối cao, điều trị khi đã có bệnh chỉ được xếp ở bình diện thấp, tấn công vào bệnh khi ở giai đoạn nguy kịch chỉ là liệu pháp cuối cùng bất khả kháng.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đâu đâu cũng thấy những mối lo: thực phẩm bẩn, tẩm hóa chất, khí hậu ô nhiễm khói bụi, nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, tầng ozon của Trái Đất càng ngày càng thủng rộng, lối sống sinh hoạt của con người cũng bị đảo lộn, càng ngày càng nhiều người dành ít thời gian cho thể dục thể thao mà dành thời gian quá nhiều cho máy móc, điện thoại, công nghệ hiện đại,… có bệnh cũng cứ trì hoãn, chủ quan hoặc không điều trị nghiêm túc, đến khi phát sinh biến chứng hoặc giai đoạn muộn rồi mới cuống cuồng lên thì mọi việc đã muộn! Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!

Vì vậy tôi luôn khuyên người bệnh một khi đã có bệnh hoặc phát hiện ra cơ thể có điểm  bất thường thì nên điều trị sớm, không được trì hoãn và tốt nhất là giữ cho mình chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, lành mạnh, cũng là để tốt cho chính mình, người thân và toàn xã hội!

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *