TIỂU BUỐT

Mỗi khi đi tiểu, bạn có cảm giác đau buốt tại vị trí đường tiểu, thậm chí phải nhịn tiểu để không phải chịu đau đớn. Đó chính là một trong những triệu chứng đặc trưng của hiện tượng tiểu buốt. Vậy tiểu buốt còn có những dấu hiệu nhận biết nào khác? Nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt là gì? Hiện nay có những phương pháp điều trị nào?

Định nghĩa

Tiểu buốt là cụm từ diễn tả tình trạng đau đớn, khó chịu, có cảm giác buốt tại đường tiểu khi đi tiểu. Vị trí buốt có thể là ở bàng quang, niệu đạo hoặc vùng chậu.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tiểu buốt là vùng niêm mạc trong lòng ống tiểu, bàng quang hay niệu đạo bị viêm nhiễm, tổn thương và khi nước tiểu bị đào thải ra ngoài thông qua hệ thống này sẽ gây xót, đau và buốt. Trong y khoa, tình trạng này được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tiểu buốt gây đau đớn
Tiểu buốt gây đau đớn

Ngoài ra, còn có rất nhiều căn nguyên khác dẫn tới tiểu buốt. Đó là:

  • Sỏi bàng quang: Khi mắc sỏi bàng quang, trong bàng quang (cơ quan chứa nước tiểu) sẽ xuất hiện các hòn sỏi có kích thước khác nhau. Các viên sỏi tạo ma sát với thành bàng quang lâu dần sẽ gây tổn thương, chảy máu và máu đó theo nước tiểu đi ra ngoài.
  • Bệnh Chlamydia: Chlamydia là tên gọi rút gọn của loại vi khuẩn Chlamydia Trachomatis gây ra một căn bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm loại vi khuẩn này tuy nhiên các triệu chứng bệnh lý thể hiện rõ nét tùy từng trường hợp. Loại vi khuẩn này có thể gây ra tình trạng viêm cổ tử cung, viêm hậu môn, viêm niệu đạo dẫn tới đi tiểu buốt.
  • Viêm bàng quang: Bàng quang được biết đến là một bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu. Nó có nhiệm vụ tích trữ lượng nước dư thừa với các độc tố do cơ thể đào thải ra rồi khi đầy sẽ xả ra ngoài. Viêm bàng quang khiến người bệnh thường có cảm giác buốt, nhói ở vị trí bàng quang mỗi lần đi tiểu, có thể bị tiểu đêm nhiều lần.
  • Bệnh Herpes sinh dục: Virus Herpes gây ra các căn bệnh tại vùng môi, miệng và bộ phận sinh dục. Khi tấn công vào bộ phận sinh dục, chúng làm khu vực này viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời thì viêm nhiễm sẽ lan rộng ra các khu vực khác, trong đó có hệ tiết niệu do lỗ tiểu nằm gần với âm đạo.
  • Nhiễm trùng thận: Thận làm nhiệm vụ lọc máu và đào thải độc tố, đây cũng là một bộ phận thuộc hệ tiết niệu. Thận viêm nhiễm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đường tiểu từ đó gây ra tình trạng tiểu buốt.
  • Sỏi thận: Không chỉ hiện tượng sỏi bàng quang mà sỏi thận cũng gây ra các triệu chứng buốt, nhói khi đi tiểu.
  • Viêm tuyến tiền liệt: Tuyến tiền liệt cũng thuộc hệ bài tiết do đó nếu bộ phận này bị viêm nhiễm thì các bộ phận khác trong hệ tiết niệu có thể bị ảnh hưởng khiến người bệnh khi đi tiểu thường có cảm giác buốt.
  • Viêm niệu đạo: Vi khuẩn theo đường tiểu tới các cơ quan khác trong hệ tiết niệu, tấn công, gây viêm nhiễm và tổn thương tại niêm mạc sẽ khiến người bệnh đau, xót khi đi tiểu.
  • Bệnh lý phụ khoa: Tiểu buốt ở nữ giới là bệnh gì? Nguyên nhân có thể là do các bệnh lý phụ khoa như viêm ống dẫn trứng, viêm âm đạo, nhiễm nấm men… Khi các bộ phận sinh dục của phụ nữ bị viêm nhiễm, khả năng lây lan sang hệ tiết niệu là rất cao. Tác nhân gây viêm nhiễm sẽ theo đường tiểu xâm nhập vào các bộ phận thuộc hệ tiết niệu và gây ra biểu hiện buốt khi đi tiểu.

Đặc biệt, phụ nữ khi có thói quen sử dụng tampon hoặc cốc nguyệt san nhưng không lấy hoặc thay, rửa chúng thường xuyên thì khả năng viêm nhiễm cũng rất cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các bộ phận trong hệ thống sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn.

Ngoài ra có một số yếu tố có thể làm gia tăng tình trạng mắc phải tiểu buốt đó là:

  • Có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục lăng nhăng.
  • Quan hệ tình dục với người bị mắc bệnh viêm nhiễm tại cơ quan sinh dục.
  • Ăn các loại thực phẩm có tính axit cao hay hiểu cách khác là những đồ có vị chua.
  • Nghiện rượu, bia hay cà phê.

Như vậy có thể thấy có hàng loạt những nguyên nhân khác nhau có thể gây ra biểu hiện tiểu buốt. Nắm rõ các nguyên nhân bị tiểu buốt sẽ giúp bạn chủ động phòng tránh và hỗ trợ điều trị hiệu quả nếu mắc bệnh.

Triệu chứng

Song song với cảm giác đau buốt khi đi tiểu, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng đặc trưng khác được trình bày cụ thể dưới đây.

  • Thường xuyên đi tiểu, mót tiểu, mất kiểm soát bàng quang, khó có thể nhịn tiểu.
  • Đau đớn ở vùng bụng dưới, khu vực gần bàng quang.
  • Nước tiểu đục, có mùi hôi, thậm chí có lẫn máu.
  • Đau ở phần lưng trên kèm sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn và nôn.
  • Xuất hiện chất dịch ở niệu đạo, mẩn đỏ ở vùng xung quanh niệu đạo.
  • Phụ nữ có cảm giác đau, ngứa, rát ở vùng âm đạo; âm đạo có mùi, xuất hiện dịch tiết bất thường.
  • Tiểu buốt nam giới có thể ảnh hưởng tới sự cương cứng của dương vật, ảnh hưởng tới chất lượng “cuộc yêu”.

Khi thấy các dấu hiệu tiểu buốt kể trên, người bệnh cần tiến hành thăm khám và điều trị nhanh chóng để hạn chế bệnh phát triển, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Tiểu buốt có nguy hiểm không?

Bất cứ tình trạng bệnh lý nào cũng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả. Đối với tiểu buốt cũng vậy, nếu bạn không thăm khám và thực hiện phương pháp chữa trị thì sẽ có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm dưới đây:

  • Viêm nhiễm hệ tiết niệu: Toàn bộ hệ tiết niệu sẽ bị ảnh hưởng khiến quá trình đào thải độc tố của cơ thể bị tê liệt.
  • Viêm ống dẫn trứng, viêm cổ tử cung: Tác nhân gây viêm nhiễm sẽ len lỏi sang bộ phận sinh dục và tấn công các cơ quan phía trên như cổ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng.
  • Suy thận mãn tính: Vi khuẩn có thể di chuyển ngược dòng vào thận để làm viêm nhiễm bộ phận quan trọng này của cơ thể.
  • Hẹp niệu đạo: Viêm nhiễm kéo dài dẫn tới viêm nhiễm cục bộ gây ra tình trạng hẹp niệu đạo, nước tiểu không thể ra ngoài thuận lợi sẽ ứ đọng khiến mức độ viêm nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
Hệ bài tiết với các bộ phận liên quan
Hệ bài tiết với các bộ phận liên quan
  • Gây vô sinh – hiếm muộn: Những ảnh hưởng tiêu cực tới bộ phận sinh dục nói riêng và hệ thống sinh sản nói chung sẽ khiến chị em phụ nữ đi tiểu buốt có nguy cơ bị vô sinh, hiếm muộn nếu không điều trị kịp thời, để tình trạng viêm nhiễm lan rộng.
  • Ảnh hưởng tới sinh lý: Tiểu buốt có nguyên nhân chính do viêm nhiễm. Nếu tác nhân gây viêm nhiễm lây lan sang bộ phận sinh dục thì đời sống sinh lý của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị đau đớn trong khi quan hệ tình dục từ đó làm giảm hưng phấn, không đạt được khoái cảm, ảnh hưởng tiêu cực tới hạnh phúc gia đình.

Cách điều trị tiểu buốt

Bằng việc xét nghiệm nước tiểu, chụp chiếu, bác sĩ có thể nắm được nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt.

Để điều trị hiệu quả tình trạng tiểu buốt có rất nhiều cách, tùy vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, nguyên nhân gây bệnh mà tiến hành phương pháp phù hợp nhất.

Điều trị đái buốt theo Tây y

Trong Tây y, tiểu buốt có rất nhiều nguyên nhân gây ra, sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê loại thuốc điều trị phù hợp. Theo đó các loại thuốc trị tiểu buốt là:

  • Nhóm thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt các tác nhân gây tiểu buốt là vi khuẩn, nấm… Một số loại thuốc kháng sinh thường được dùng là Trimethoprim-sulfamethoxazole, Nitrifurantoin, Cycline, Quinolone, Macrolid…
  • Nhóm thuốc giảm đau: Có công dụng xoa dịu các cơn đau nhức, buốt mỗi lần đi tiểu. Các biệt dược tiêu biểu của nhóm này là Paracetamol, Diclofenac và Aspirin.
  • Nhóm thuốc giãn cơ trơn: Trong nhóm này, Nospa là loại thuốc thường được các bác sĩ chỉ định nhằm làm giãn cơ trơn quanh cổ bàng quang và làm dịu các cơn đau tại thận.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm và ức chế thần kinh: Có công dụng giúp bàng quang thư giãn bằng cách kiểm soát cơ vòng bàng quang. Một số biệt dược trong nhóm này là oxybutynin, tolterodin, darifenacin…
Thuốc có công dụng làm dịu cơ vòng bàng quang, giảm thiểu tình trạng tiểu buốt đau
Thuốc có công dụng làm dịu cơ vòng bàng quang, giảm thiểu tình trạng tiểu buốt đau

Để sử dụng một cách chính xác loại thuốc điều trị đái buốt, người bệnh cần thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín và thực hiện theo đơn kê của bác sĩ. Tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng thuốc nhằm đạt hiệu quả chữa trị cao nhất.

Chữa đái buốt bằng phương pháp Đông y

Bằng việc kết hợp các vị thuốc có nguồn gốc từ thảo dược tự nhiên, các bài thuốc Đông y giúp điều trị chứng tiểu buốt một cách hiệu quả, lành tính nhưng đòi hỏi thời gian chữa trị kéo dài.

Người bệnh có thể tham khảo một số bài thuốc Đông y chữa đái buốt dưới đây:

Bài thuốc 1

  • Chuẩn bị: Bạch nhị thảo (30g), xa tiền tử (15g), ô dược, thanh bì, đào nhân (mỗi loại 10g) và ngưu tất (12g).
  • Cách thực hiện: Đem các vị thuốc sắc cùng nửa lít nước rồi lọc lấy nước cốt uống mỗi ngày.

Bài thuốc 2:

  • Chuẩn bị: Vỏ núc nác, thạch hộc, quả dành dành (mỗi loại 12g) và rau má (20g).
  • Cách thực hiện: Cũng tương tự như với bài thuốc số 1. Đem nguyên liệu sắc với nửa lít nước, khi nước còn khoảng một nửa thì lọc lấy nước cốt để uống.

Bài thuốc 3:

  • Chuẩn bị: Nghiệt bì, chi liên, rễ cỏ tranh, phục linh (mỗi vị 12g), trư linh, đinh phụ, hoạt thạch, bán hạ (mỗi vị 8g) và sa tiền (16g).
  • Cách thực hiện: Sắc thuốc rồi lấy nước uống hàng ngày cho tới khi các triệu chứng tiểu buốt thuyên giảm.

Mẹo dân gian chữa tiểu buốt

Mức độ tiểu buốt còn nhẹ, người bệnh có thể tìm hiểu và áp dụng một số mẹo dân gian chữa trị khá hiệu quả mà không tốn nhiều thời gian, công sức.

  • Bèo cái: Lấy một nắm bèo cái, rửa sạch, bỏ phần rễ rồi rang khô bèo cái cùng với một nắm lá thài lài, rễ gianh, lá mã đề và sắc lấy nước uống hàng ngày.
  • Bí xanh: Đây là một loại quả có công dụng lợi tiểu, giải nhiệt rất tốt nên được sử dụng nhiều trong việc hỗ trợ chữa trị hiện tượng tiểu buốt. Rất đơn giản, bạn chỉ cần luộc bí xanh ăn hàng ngày hoặc nghiền lấy nước uống.
  • Rau mồng tơi: Loại rau này có tính hàn, có khả năng giúp nhuận tràng, thanh lọc độc tố, chữa trị các tình trạng tiểu rắt, tiểu buốt. Người bệnh rửa sạch phần lá và thân cây mồng tơi rồi đun lấy nước uống.
  • Râu ngô: Trong các mẹo điều trị tiểu buốt, thật thiết sót nếu bỏ qua râu ngô vì chúng được sử dụng rất nhiều trong điều trị bệnh lý này. Với khả năng lợi tiểu, râu ngô giúp người bệnh đào thải các vi khuẩn gây bệnh ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu chỉ bằng việc đun nước râu ngô uống hàng ngày.
  • Sắn dây: Đây cũng là một loại thực phẩm có tính mát, giúp thanh lọc, giải nhiệt cho cơ thể khá tốt. Nếu bị đi tiểu buốt, hãy nấu bột sắn dây ăn hoặc pha bột sắn dây để uống.
  • Phượng vĩ thảo: Rửa sạch phượng vĩ thảo rồi đem nấu với nước vo gạo để lấy nước uống hàng ngày.
  • Da vàng mề gà: Phần da vàng của mề gà thường bị bỏ đi trong quá trình chế biến đồ ăn nhưng trong Đông y, đây là một loại dược liệu có khá nhiều công dụng. Đối với tình trạng tiểu buốt, người bệnh có thể lấy da vàng mề gà (khoảng 20 cái) đem rửa sạch, rang cháy rồi sau đó tán nhỏ thành bột mịn. Mỗi ngày hòa bột này với nước ấm rồi uống 3-4 lần.
Uống nước râu ngô để lợi tiểu
Uống nước râu ngô để lợi tiểu

Các mẹo dân gian rất dễ thực hiện, người bệnh có thể tìm hiểu rồi thực hiện ngay tại nhà nhưng hiệu quả tốt nhất là với những trường hợp tình trạng tiểu buốt ở mức nhẹ hoặc có thể áp dụng hỗ trợ song song với các phương pháp điều trị chuyên khoa kể trên.

Lưu ý quan trọng khi mắc phải tình trạng đái buốt

Bị tiểu buốt phải làm sao? Bên cạnh việc điều trị tích cực thì người bệnh cũng cần ghi nhớ một số những thông tin lưu ý quan trọng dưới đây nhằm hỗ trợ đẩy lùi hiện tượng tiểu buốt một cách nhanh chóng:

  • Uống đủ lượng nước mỗi ngày, trung bình khoảng 1,5-2 lít nước để giúp lợi tiểu, loại bỏ vi khuẩn ra bên ngoài.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, mọng nước như rau xanh, trái cây, nhất là rau má, cam, chanh, bưởi, dừa…
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ với dung dịch vệ sinh có tính sát khuẩn dịu nhẹ. Phụ nữ không nên thụt rửa quá sâu vào trong âm đạo vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể.
  • Nên vệ sinh vùng kín trước và sau khi quan hệ để hạn chế khả năng lây nhiễm vi khuẩn từ bạn tình.
  • Tuyệt đối không uống rượu, bia, đồ uống có chứa cồn, hút thuốc lá… vì chúng đều là những thứ không tốt cho sức khỏe.
  • Sinh hoạt và làm việc điều độ, sắp xếp thời gian hợp lý để không bị căng thẳng, stress, suy nhược tinh thần.
  • Quan hệ tình dục điều độ, không quan hệ quá mạnh bạo khiến niêm mạc dễ bị trầy xước tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm.
  • Nên mặc quần áo thoáng mát, đặc biệt là đồ lót nên làm bằng chất liệu cotton thấm hút mồ hôi tốt để vùng kín luôn thông thoáng, không trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
  • Tuyệt đối không dùng chung quần áo, nhất là đồ lót với người khác vì nguy cơ viêm nhiễm lây lan rất cao.
  • Tích cực tập luyện thể dục thể thao để có một cơ thể khỏe mạnh, cải thiện sức đề kháng từ đó giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.

Tiểu buốt có thể chỉ là một hiện tượng của nhiễm trùng hoặc viêm đường tiết niệu mức độ nhẹ nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm liên quan tới hệ bài tiết do đó ngay khi thấy dấu hiệu của bệnh lý, người bệnh nên tiến hành thăm khám và điều trị nhanh chóng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chuyên khoa

Triệu chứng

Gửi câu hỏi tư vấn