Viêm thận lupus – bệnh lý nguy hiểm cần cảnh giác

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Viêm thận lupus là bệnh lý thứ phát nguy hiểm. Việc được cung cấp nguồn thông tin tham khảo đúng đắn sẽ giúp bạn có được phương hướng điều trị thích hợp, góp phần đạt được hiệu quả điều trị mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh viêm thận lupus.

viem than lupus
Viêm thận lupus – bệnh lý nguy hiểm

Viêm thận lupus là gì?

Ở các bệnh nhân bị lupus ban đỏ hệ thống, tổn thương thận là một biến chứng thường gặp (khoảng 60%) do cơ chế tự miễn dịch. Hiện tượng lắng đọng các phức hợp miễn dịch tại nhiều đơn vị cấu trúc của thận khiến triệu chứng bệnh diễn tiến nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn trong điều trị. Hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào thể trạng từng người, mức độ hoạt động của bệnh lupus và khả năng đáp ứng với các thuốc điều trị.

viêm thận lupus các rối loạn mô học đa dạng, xảy ra ở cả cầu thận, mạch máu và ống – kẽ thận.

Tổn thương cầu thận

  • Tổn thương gian mạch: tăng sinh tế bào gian mạch cũng như các phức hợp miễn dịch lắng đọng ở chất nền gian mạch.
  • Tổn thương tế bào nội mạc: tăng tình trạng thâm nhập của các tế bào bạch cầu làm cho các tế bào nội mạc và thành mao mạch bị hủy hoại. Đồng thời, chúng còn thâm nhập vào tế bào gian mạch và hình thành dạng lưỡi liềm. Tại đây, tổn thương thường nặng và kéo dài hơn, gây ra các triệu chứng cấp tính.
  • Tổn thương biểu mô: tổn thương thành mạch nhưng không xuất tiết, không có thâm nhiễm, do tự kháng thể và bổ thể gây ra.

Tổn thương mạch máu thận

Đây là dạng tổn thương hay gặp, nghiêm trọng hơn và điều trị cũng khó khăn hơn. Một số dấu hiệu điển hình cụ thể như sau:

  • Lắng đọng phức hợp miễn dịch ở mạch máu (chủ yếu).
  • Hoại tử mạch máu không xuất phát do viêm.
  • Huyết khối (vi mạch/ tĩnh mạch), có thể làm tắc nghẽn lòng mạch.
  • Viêm mạch thận (ít gặp nhất).

Tổn thương ống thận

  • Thường thấy sự xâm nhập của tế bào bạch cầu lympho và mono vào ống thận, ít thấy lympho bào B, bào tương và tế bào tiêu diệt lympho T.
  • Ở thể mãn tính, kích thước khoảng kẽ tăng do sự lắng đọng collagen. Một số bệnh nhân bị viêm kẽ thận gây suy thận cấp mà không có tổn thương ở cầu thận.
  • Khoảng 50% bệnh nhân có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp mà không có tổn thương ở cầu thận.
viem than lupus
Viêm cầu thận gây nhiều triệu chứng khó chịu

Tổ chức WHO (Tổ chức Y tế thế giới) phân chia các tổn thương mô bệnh học thành 5 lớp ứng với 5 mức độ khác nhau như sau: 

  • Lớp I: Thận bình thường.
  • Lớp II (IIA và IIB): Viêm gian mạch cầu thận, ống thận kẽ và mạch máu chưa có gì bất thường. Tốc độ lọc cầu thận bình thường, có thể có đái máu vi thể và protein niệu nhẹ. 
  • Lớp III: Viêm cầu thận tăng sinh ổ, bất thường xảy ra ở cả vùng gian mạch và mao mạch cầu thận. Có hoại tử, protein niệu, đái máu đại thể.
  • Lớp IV: Viêm cầu thận tăng sinh lan tỏa, thường biểu hiện có protein niệu nặng, hồng cầu niệu và cặn niệu.
  • Lớp V: Viêm cầu thận màng. Khoang gian bào mở rộng, tăng sinh nhẹ tế bào gian mạch. Các triệu chứng biểu hiện rầm rộ và nghiêm trọng, chức năng thận còn rất thấp. 

Ngoài ra, viêm thận lupus có thể diễn tiến thành thể hoạt động (cấp tính) và thể mạn tính, được xác định bằng các chỉ số như sau:

  • Viêm thận lupus thể hoạt động: cầu thận có tăng sinh tế bào, hoại tử – xơ hóa, cục nghẽn hyalin, hình liềm tế bào, lắng đọng hình quai dây và xâm nhập bạch cầu; ống thận có tế bào đơn nhân xâm nhập.
  • Viêm thận lupus thể mạn tính: xơ hóa cầu thận và kẽ ống thận, có thể có teo ống thận.

Nguyên nhân gây viêm thận lupus

Ngay từ tên gọi đã có thể dễ dàng xác định nguyên nhân của viêm thận lupus là do bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây nên – một bệnh tự miễn, tác động trên toàn bộ hệ thống các cơ quan của cơ thể. Nó đặc trưng bởi sự kích hoạt các tế bào lympho B đa dòng với sự xuất hiện của nhiều loại tự kháng thể, nhất là kháng thể kháng nhân.

viem than lupus
Viêm thận lupus là biến chứng thứ phát do tự miễn

Nguyên nhân gây ra lupus ban đỏ vẫn chưa được chứng minh một cách rõ ràng. Một số yếu tố được xem là điều kiện thúc đẩy cho việc khởi phát bệnh như là: 

  • Môi trường: Virus, các chất độc hại, phóng xạ,… tăng tính nhạy cảm các tế bào lympho T và lympho B, từ đó làm sản sinh ra các kháng thể kháng nhân/ kháng ADN/ kháng ARN, gây rối loạn hệ thống bổ thể.
  • Hormone sinh dục: Nghiên cứu cho thấy bệnh gặp ở nữ có tỷ lệ cao hơn, đặc biệt bùng phát mạnh trong thai kỳ. Ở bệnh nhân nữ bị lupus cho thấy nồng độ estrogen tăng cao trong khi androgen giảm.
  • Di truyền: Có khoảng 10% bệnh nhân bị viêm thận lupus là do các yếu tố di truyền trong gia đình.

Triệu chứng biểu hiện viêm thận lupus hệ thống

Triệu chứng của bệnh viêm thận do lupus vô cùng đa dạng, ngoài triệu chứng của bệnh thận còn có các biểu hiện ở các cơ quan khác trong cơ thể.

Biểu hiện của viêm thận do lupus có thể cấp tính hoặc mãn tính tùy thuộc vào cơ địa, điều kiện thuận lợi phát sinh bệnh. Do đó, việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh để đưa ra chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị là việc vô cùng quan trọng để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của viêm thận lupus.

Trong trường hợp cấp tính, triệu chứng chủ yếu của viêm thận bao gồm: 

  • Phù: là triệu chứng thường gặp nhất trong các bệnh lý thận chứ không riêng gì viêm thận do lupus. Phù có thể là dấu hiệu đầu tiên, là lý do khiến bệnh nhân đi khám bệnh. Biểu hiện của phù là bệnh nhân sẽ có cảm giác nặng mặt, nặng hai mí mắt, phù hai chân thấy rõ nhất ở vùng quanh mắt cá. Thường thì sẽ phù nhiều về sáng, giảm về chiều.
  • Đái ra máu: là triệu chứng vô cùng quan trọng trong chẩn đoán viêm thận do lupus. Người bệnh có thể thấy nước tiểu màu nước luộc rau dền hoặc nước rửa thịt, mỗi ngày đi 2-3 lần.
  • Tăng huyết áp: là biểu hiện gián tiếp của tình trạng viêm, phù nề, xuất tiết và tăng sinh tế bào trong thận. Nhiều trường hợp có thể xuất hiện tình trạng tăng huyết áp kịch phát với chỉ số HA dao động khoảng 180/100mmHg, khiến cho người bệnh đau đầu dữ dội, choáng váng, co giật và có thể hôn mê.
  • Thiểu niệu: cũng rất thường gặp trong bệnh lý viêm thận lupus. Lượng nước tiểu trong 24 giờ nhỏ hơn 500ml thì được gọi là thiểu niệu. Do thiểu niệu, không bài tiết được nước tiểu dẫn đến ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa trong cơ thể như ure và creatinin làm rối loạn các phản ứng sinh hóa trong cơ thể.

Ngoài các triệu chứng kể trên, trong bệnh viêm thận lupus, người bệnh còn có thể thấy đau tức vùng thắt lưng 2 bên, bụng trướng nhẹ, buồn nôn và đi lỏng,…

Khi viêm thận lupus tiến triển đến giai đoạn mãn tính thì người bệnh còn có biểu hiện của thiếu máu: sắc da xanh xao, mòn gai lưỡi, thường xuyên mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt – chóng mặt khi thay đổi tư thế. Nguyên nhân là do ăn uống kiêng khem dẫn đến thiếu nguyên liệu tổng hợp máu hoặc bệnh tiến triển thành suy thận mạn, làm mất chức năng tham gia tạo máu của thận.

viem than lupus
Viêm thận lupus gây thiếu máu

Bên cạnh các triệu chứng bệnh lý tại thận, người bị bệnh viêm thận lupus còn có các biểu hiện toàn thân khác. Các triệu chứng có thể gặp:

  • Sốt dai dẳng kéo dài mà không xác định được nguyên nhân.
  • Viêm các khớp với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp.
  • Xuất hiện các mảng xuất huyết rải rác khắp cơ thể.
  • Sờ thấy hạch nổi to rõ ở nhiều vị trí.
  • Ăn uống kém, chán ăn thậm chí là đi ngoài ra máu.

Đặc biệt, người bệnh còn có các biểu hiện ngoài da rất đặc hiệu ở bệnh lupus. Bao gồm :

  • Xuất hiện các ban đỏ hình cánh bướm ở mặt, ít ngứa, lõm ở giữa, tập trung ở 2 cánh mũi, 2 gò má.
  • Xen kẽ là ban đỏ hình đĩa là các tổn thương vòng tròn, lõm ở giữa và có vảy. Vị trí xuất hiện có thể ở trán, ngực, cổ.
  • Loét miệng, họng, lưỡi cũng là triệu chứng thường gặp.
  • Rụng tóc từng mảng.

Điều trị bệnh như thế nào hiệu quả?

Hiện chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm thận lupus. Các thuốc được sử dụng vào mục đích chính là ức chế phản ứng miễn dịch quá mẫn cũng như quá trình viêm với các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Điều trị xen kẽ giữa tấn công và duy trì.
  • Cân nhắc giữa lợi và hại. Nên lựa chọn khi tác dụng thu được đáng để đánh đổi với các tác dụng phụ, nhưng nếu lợi bất cập hại thì cần tìm ra phương pháp khác.
  • Nếu có điều kiện, điều trị dựa trên mô bệnh học là tốt nhất.
  • Kết hợp điều trị đồng thời cả các triệu chứng ngoài thận của bệnh lupus.

Mục tiêu điều trị

  • Phục hồi chức năng thận, ngăn chặn tiến triển thành suy thận mạn.
  • Tránh gây thêm các tổn thương cho thận, lựa chọn các liệu pháp miễn dịch ít độc nhất.
viem than lupus
Điều trị viêm thận lupus hiệu quả cần đi thăm khám

Hiện có hai phương pháp điều trị chính:

Dựa vào tổn thương mô thận

  • Lớp I: Chỉ điều trị những biểu hiện ngoài thận như viêm khớp, viêm tràn dịch màng tim, màng phổi; viêm cơ tim.
  • Lớp II: Điều trị những biểu hiện ngoài thận. Khi xuất hiện tình trạng tổn thương mô bệnh thận, điều trị như lớp IIIA.
  • Lớp III: Tổn thương nhẹ điều trị bằng corticoid. Nếu tổn thương nặng điều trị như lớp IV.
  • Lớp IV-V: Là thể nặng nhất, cần phải điều trị tích cực. Lựa chọn sử dụng một trong các thuốc ức chế miễn dịch như: prednisolone, cyclophosphamid, azathioprin.

Dựa vào điều kiện y tế ở Việt Nam

Do chưa phổ biến kỹ thuật sinh thiết thận, việc điều trị tiến hành theo hướng dẫn sau:

Trường hợp 1: Không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có rối loạn nước tiểu nhẹ sẽ tiến hành điều trị các biểu hiện ngoài thận.

Trường hợp 2: Khi có hội chứng viêm cầu thận cấp người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc như sau:

  • Prednisone: liều tấn công 1-1,5mg/kg cân nặng (không vượt quá 80mg với liều hàng ngày và 120mg với liều cách ngày) trong vòng từ 2 đến 6 tháng.
  • Cyclophosphamide: sử dụng liều tấn công 2,5 – 3 mg/kg/24h (không vượt quá 4mg/kg/24h) trong 1,5 – 2 tháng. Sau đó giảm xuống một nửa, duy trì liều thấp trong vòng không quá 1 năm. Tác dụng phụ: giảm lượng bạch cầu, suy buồng trứng, chết tinh trùng, ung thư/ viêm bàng quang chảy máu.
  • Azathioprine: liều tấn công 2,5 – 3mg/kg/24h từ 1,5 – 2 tháng, rồi dùng liều củng cố bằng 1/2 liều tấn công và duy trì liều thấp 50mg/24h, có thể kéo dài hơn 1 năm nếu dung nạp tốt. Tác dụng phụ: gây độc cho tủy xương, làm giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu, tăng khả năng gây ung thư.
  • Cyclosporin A: 3 – 4 mg/kg/24h từ 1,5 – 3 tháng hoặc hơn, có thể phối hợp với liều thấp corticoid (≈20mg/24h); liều duy trì khoảng 2mg/kg/24h. Bệnh hay tái phát sau khi giảm liều hoặc ngừng thuốc. Tác dụng phụ: suy gan, suy thận, tăng nguy cơ ung thư.
  • Mycophenolate Mofetil: Được dùng rộng rãi trong chống đào thải tạng ghép. Gần đây nó được đưa vào điều trị viêm thận lupus với tác dụng làm giảm tình trạng đái máu và protein niệu, đưa nồng độ bổ thể về mức an toàn, cải thiện albumin máu. Ưu điểm: tỷ lệ tái phát thấp và ít tác dụng phụ.

Có thể sử dụng phối hợp corticoid với các thuốc ức chế miễn dịch khác với liều trung bình thường thấp hơn liều dùng đơn độc.

Cân nhắc điều trị bệnh thận bằng truyền liều cao methylprednisolon hoặc Cyclophosphamide (xem phần trên) ngay cả khi không có mô bệnh học trong trường hợp không đáp ứng với điều trị bằng 1 trong các biện pháp nêu trên.

viem than lupus
Dùng thuốc điều trị dứt diểm viêm thận lupus

Các phương pháp mới đang được thử nghiệm trên lâm sàng cho kết quả khả quan gồm có: sử dụng kháng thể đơn dòng (tiêu diệt tế bào Lympho B) và lọc huyết tương (chỉ định cho những bệnh nhân có tăng rõ rệt phức hợp miễn dịch lưu hành) kết hợp đồng thời với điều trị tấn công bằng corticoid và các thuốc ức chế miễn dịch.

XEM NGAY:

Viêm thận lupus ăn gì, kiêng gì hỗ trợ điều trị bệnh?

Viêm thận lupus là bệnh lý tiến triển nguy hiểm nếu người bệnh không có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Cụ thể, trong chế độ ăn của người bệnh thận cần đặc biệt lưu ý:

  • Ăn nhạt, giảm lượng nước uống cho phù hợp, tránh tình trạng phù.
  • Tăng cường bổ sung protein, sắt, acid folic để bổ sung vào phần bị mất. Tuy nhiên nếu bệnh đã tiến triển nặng thì phải hạn chế kali, phospho, protein.
  • Có thể duy trì huyết áp ổn định bằng cách sử dụng các loại trái cây, thực phẩm, trà thảo dược có tác dụng tăng bài tiết nước tiểu.
  • Ưu tiên các thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc –  xuất xứ.
  • Tránh các thuốc có ảnh hưởng không tốt lên thận, các thuốc chuyển hóa tại thận như: kháng sinh aminoglycosid, cephalosporin thế hệ 1, thuốc ức chế men chuyển, amphotericin B,…
  • Tránh dùng các đồ ăn cay nóng, các chất kích thích do làm tăng tình trạng viêm.
  • Tuyệt đối hạn chế ăn/ uống các thực phẩm, thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng: hải sản, đậu phộng, kháng sinh nhóm beta- lactam…
  • Cắt giảm tối đa việc ăn đồ tái/ sống, đảm bảo vệ sinh, chăm sóc tốt cho các vết thương hở để tránh gây nhiễm khuẩn/ virus,…

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm thận lupus

Theo như thống kê, tỷ lệ mắc viêm thận lupus chiếm khoảng 3,6 phần triệu trên tổng dân số. Có thể nói, nó là một căn bệnh tự nhiễm hiếm gặp và nguy hiểm, cũng chưa xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, rất khó để phòng ngừa.

viem than lupus
Lối sống lành mạnh giúp phòng ngừa viêm thận lupus

Bạn chỉ có thể thực hiện các biện pháp nằm trong khả năng của mình đó là hạn chế tối đa những yếu tố thuận lợi cho bệnh lý phát triển như: Phóng xạ, chất độc hóa học, nhiễm khuẩn/ virus, thức khuya,…Đồng thời, khi có các biểu hiện bệnh, cần thăm khám sớm để kịp thời phát hiện và điều trị. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt và theo dõi định kỳ.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có được những hiểu biết cần thiết và hữu ích về bệnh lý viêm thận lupus. Áp dụng để tự rà soát các triệu chứng, đến cơ sở y tế có uy tín để thăm khám sớm và chữa trị kịp thời là yếu tố quan trọng giúp đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

THAM KHẢO:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *