Viêm tai giữa: Cảnh báo biến chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Viêm tai giữa là bệnh lý không còn quá xa lạ với tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được sự nguy hiểm của bệnh lý này cũng như chưa chủ động trong phòng ngừa. Viêm tai giữa nguy hiểm nhất đối với trẻ nhỏ, chúng có thể gây nên những biến chứng ảnh hưởng đến thính giác, trí não và cả tính mạng.

Viêm tai giữa là gì?

Cấu tạo tai con người được chia làm 3 phần: Tai trong, tai giữa và tai bên ngoài. Tai giữa là vị trí nằm ngay phía sau màng nhĩ, nơi thực hiện chức năng truyền tải âm thành từ bên ngoài vào trong tai. Có thể nói đây là bộ phận vô cùng quan trọng và cũng rất dễ tổn thương của tai.

Hiện tượng viêm tai giữa là một bệnh lý rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Đây là hiện tượng viêm nhiễm ở hệ thống hòm nhĩ và xương chũm. Bệnh thường khởi phát do sự tấn công của các nhóm vi khuẩn tồn tại sẵn trong ống tai hoặc từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào.

viem tai giua
Viêm tai giữa là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và dễ khởi phát

Các dạng viêm tai giữa thường gặp

Viêm tai giữa có nhiều dạng khác nhau với các biểu hiện khác nhau. Dựa vào các biểu hiện này, bệnh được chia thành các dạng chính thường thấy:

  • Viêm tai giữa cấp tính: Là tình trạng tai bị nhiễm trùng đột ngột, gây sưng đỏ và mưng mủ. Bệnh nhân viêm tai giữa cấp tính thường bị sốt và đau tai, dịch mủ cũng được tìm thấy dưới màng nhĩ.
  • Viêm tai giữa mãn tính: Là trường hợp nhiễm trùng kéo dài trong thời gian dài, có thể vài tháng hoặc vài năm. Viêm mãn tính có thể gặp phải trường hợp dịch chảy ra từ ống tai, người bệnh bị suy giảm thính lực, thủng màng nhĩ nhưng không gây cảm giác đau.
  • Viêm tai giữa ứ dịch: Sau khi tai bị nhiễm trùng và xuất hiện dịch nhầy có thể bạn đang mắc phải chứng viêm tai ứ dịch. Người bệnh sẽ cảm thấy đầy tai, thính lực suy giảm kéo dài trong vòng nhiều tháng.
  • Viêm tai giữa ứ dịch mãn tính: Dịch tích tụ lại từ lần này qua lần khác nhưng không gây ra nhiễm trùng. Sau một thời gian dài, bệnh sẽ chuyển sang mãn tính và ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng nghe của người bệnh.

Dấu hiệu viêm tai giữa dễ nhận biết

Thường khi có dấu hiệu đau tai, người bệnh sẽ không mấy đề phòng, cho đến khi bệnh chuyển biến nặng và phải đi khám. Lúc này biểu hiện viêm tai giữa đã chuyển sang một giai đoạn nặng hơn, khó điều trị hơn. Do đó, tất cả mọi người nên tự trang bị cho mình những kiến thức về triệu chứng của viêm tai giữa để kịp thời phát hiện và điều trị.

Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc viêm tai giữa vì chưa ý thức được việc vệ sinh và bảo vệ tai. Việc vui chơi hiếu động thường ngày của trẻ cũng sẽ vô tình khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào tai. Khi trẻ có những biểu hiện sau đây. bố mẹ nên chủ động đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế gần nhất:

  • Trẻ bị sốt cao, cặp nhiệt độ khoảng 39 – 40 độ, sốt kèm biểu hiện quấy khóc, bỏ ăn, nôn trớ, co giật
  • Thường xuyên lắc đầu, cho tay vào tai, kêu đau tai
  • Chức năng tiêu hóa gặp vấn đề, trẻ bị đi đại tiện phân lỏng nhiều lần, thường trẻ sẽ bị sốt kèm rối loạn tiêu hóa.
  • Trẻ có biểu hiện bứt rứt khó chịu, khó ngủ, khi nằm xuống thường khóc to hơn.
  • Trẻ đi nghiêng đầu sang một bên, khó giữ thăng bằng.
  • Trẻ không nhạy bén với các âm thanh.
  • Dịch vàng chảy từ ống tai ra ngoài.
viem tai giua
Dấu hiệu dễ thấy nhất ở trẻ là bỏ ăn, chán ăn, thường xuyên quấy khóc

Viêm tai giữa ở trẻ tiến triển rất nhanh do tai chưa phát triển hoàn thiện, thường chỉ sau vài ngày đã có thể ứ dịch rất nhiều và có thể biến chứng ra những cơ quan xung quanh. Do đó, phụ huynh nên đặc biệt chú ý đến các bé, nếu có dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

Dấu hiệu viêm tai giữa ở người lớn

Tuy hệ thống các bộ phận ở tai đã phát triển hoàn thiện những viêm tai giữa ở người lớn vẫn có thể xảy ra, với một vài triệu chứng điển hình như:

  • Đau tai, cơn đau nhói lên khiến người bệnh giật bắn người, đôi lúc kèm theo triệu chứng co giật nhẹ ở tai.
  • Đau lan lên phía đầu và sau cổ, tai bị tê cứng, sờ vào có cảm giác sưng và nóng.
  • Tai bị ù, khả năng nghe âm thanh suy giảm.
  • Thỉnh thoảng trong tai có tiếng ọc ọc như có nước.
  • Có dấu hiệu chảy dịch ra ngoài, dịch mủ thường có màu vàng và xuất hiện nhiều khi giao mùa, dịch có mùi khá khó chịu.

Nguyên nhân viêm tai giữa

Viêm tai giữa hình thành do vi khuẩn hoặc virus, sự xâm nhập của các loại vi khuẩn này có thể đến từ các nguyên nhân như:

Ở trẻ nhỏ:

  • Cấu trúc tai chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu, bất kỳ sơ hở nào cũng có thể tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập và gây viêm ở tai. Ống thính giác ở trẻ ngắn hơn so với người trường thành, các chất cặn dễ bị tắc lại ở vị trí này. Các vi khuẩn từ cặn bẩn sẽ tấn công tai gây viêm.
  • Các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp ở trẻ như viêm họng, sổ mũi cũng có thể là nguyên nhân gây viêm tai giữa. Do hệ thống tai mũi họng thường thông với nhau, khi vi khuẩn xâm nhập được vào bên trong cơ thể sẽ dễ tấn công lan ra các vùng liên quan. Trong khi khả năng miễn dịch của trẻ còn rất yếu nên việc viêm nhiễm lây lan là không thể tránh khỏi.

Ở người lớn:

  • Nếu viêm tai mãn tính từ nhỏ và không được điều trị tận gốc sẽ kéo dài trong vòng nhiều năm. Người bị viêm tai mãn tính rất dễ gặp biến chứng về sau.
  • Sử dụng dụng cụ lấy ráy tai không phù hợp cũng có thể khiến bệnh viêm tai giữa khởi phát. Dụng cụ cứng, nhọn, quá to có thể khiến tai bị tổn thương và suy giảm miễn dịch; dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ khiến vi khuẩn theo vào trong ống tai. Sử dụng chung dụng cụ lấy ráy tai cũng dễ khiến bị lây bệnh giữa người với người.
  • Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm không khí, khói bụi cũng được liệt kê vào danh sách nguyên nhân gây viêm da, viêm tai giữa,… Vào mùa lạnh, nếu không giữ ấm cho đôi tai, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn rất nhiều.

Biến chứng của bệnh viêm tai giữa

Chủ quan với các triệu chứng viêm tai giữa sẽ khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng, đặc biệt nghiêm trọng hơn đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển. Một số biến chứng điển hình người bệnh nên biết bao gồm:

Viêm màng não

Đây có thể coi là biến chứng nguy hiểm bậc nhất của bệnh lý viêm tai giữa vì tỷ lệ tử vong rất cao. Màng não chính là lá chắn bảo vệ hệ thần kinh trung ương. Khi màng não bị tổn thương, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như cứng cổ, sốt cao đột ngột, đau nhói ở đầu, co giật, phát ban,…

Viêm màng não có thể kéo theo nhiều biến chứng khác, trong đó có mất thính giác, tổn thương não, suy thận, sốc, thiểu năng trí tuệ và nghiêm trọng nhất là tử vong.

Xem thêm

viem tai giua
Sự tấn công của vi khuẩn gây viêm màng não và có thể ảnh hưởng đến tính mạng

Viêm tắc tĩnh mạch bên

Khi có dấu hiệu biến chứng phù nề niêm mạc, xương chũm bị phá hủy khiến các vách ngăn tế bào nối thông với nhau. Dịch mủ sẽ chứa đầy các hạt viêm và xương hoại tử tràn vào trong xương của tĩnh mạch bên gây nên hiện tượng viêm tắc tĩnh mạch bên và nhiễm trùng huyết.

Khiếm thính hoàn toàn

Viêm tai giữa đặc biệt là ở trẻ nhỏ nếu không kịp thời điều trị sẽ dẫn đến tình trạng khiếm thính vĩnh viễn. Ban đầu người bệnh sẽ có cảm giảm ù tai, chức năng phản ứng âm thanh suy giảm, càng về sau thính lực càng yếu và dần mất đi.

Tổn thương tiền đình

Tiền đình là vùng nằm ngay phía sau ốc tai, đây là hệ cơ quan đóng vai trong duy trì tư thế cân bằng cho con người và phối hợp các hoạt động của đầu, mắt các toàn bộ cơ thể. Rối loạn tiền đình chia thành rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.

Trong đó rối loạn tiền đình ngoại biên là do biến chứng viêm tai giữa gây ra. Biến chứng sẽ khiến người bệnh thường xuyên chóng mặt, không thể đi lại, khó thay đổi tư thế; nôn mửa, ù tai, nặng đầu,…

Liệt mặt

Viêm tai giữa có thể khiến dây thần kinh VII ngoại biên bị tê liệt dẫn đến việc mất khả năng vận động một phần các cơ trên mặt. Liệt mặt khiến các cơ mặt xệ xuống, yếu, kiệt sức. Biến chứng có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mặt.

Viêm xương chũm

Xương chũm một hệ xương xốp, bộ phận chính cấu thành hệ thống tai giữa. Hiện tượng viêm xương chũm được xác định là khi phần xung quanh sao bào và tai giữa bị tổn thương, quá trình viêm thường kéo dài dưới 3 tháng.

Một vài bệnh tích liên quan đến viêm xương chũm là viêm tắc mạch máu xương, phá hủy vách ngăn tế bào xương, hình thành túi mủ, chết xương,… Viêm xương chũm có thể gây nên những biến chứng khác nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe nên đây cũng là một biến chứng đặc biệt cần chú ý đề phòng.

viem tai giua
Viêm xương chũm gây nên những cơn đau nhói ở tai, sau gáy

Áp xe ngoài màng cứng

Là hiện tượng mủ tích tụ dưới màng cứng và hộp sọ do nhiễm trùng viêm tai giữa lâu ngày gây nên. Triệu chứng của biến chứng này là sốt, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi suy nhược cả thể chất và tinh thần, đau đầu dữ dội. Một vài trường hợp người bệnh sẽ có dấu hiệu động kinh và rơi vào hôn mê.

Áp xe não

Theo cấu tạo cơ thể người, hệ thống tổ chức não ở khá gần vị trí của tai, có những vị trí dường như nằm sát nhau. Khi tai bị nhiễm trùng, xương bị hủy hoại, nhiễm trùng sẽ theo đó lan ra vùng mạch máu não và gây nên hiện tượng áp xe não. Biến chứng khiến người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội, tinh thần trở nên trì trệ; phù nề và bị gai mắt;…

Trường hợp nặng người bệnh sẽ bị sốt cao, sụt cân đột ngột; liệt nhãn cầu, co giật, run tay, khó nuốt;… Tỷ lệ tử vong do áp xe não rất lớn nên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan với tình trạng này.

Có thể thấy viêm tai giữa là bệnh lý không hề đơn giản khi người bệnh có thể gặp phải những rủi ro đe dọa đến cả tính mạng. Đối với trẻ nhỏ bị viêm tai giữa, nếu như tránh được nguy cơ tử vong, về sau sự phát triển về trí não và thể chất của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng tương đối nhiều.

Chẩn đoán bệnh lý viêm tai giữa mạn tính

Quy trình chẩn đoán bao gồm 2 phần: Chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.

Chẩn đoán xác định

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ sẽ bước đầu xác định được dạng bệnh, ví dụ:

  • Viêm tai giữa mạn tính nhầy sẽ có biểu hiện chảy dịch mủ ở tai theo từng đợt, dịch mủ không có mùi lạ, hơi dính; khả năng nghe bình thường.
  • Viêm tai giữa mạn tính mủ thường sẽ có biểu hiện chảy dịch mủ kéo dài; dịch mủ có màu hơi xanh, mùi khó ngửi; khả năng nghe suy giảm; kèm theo triệu chứng đau đầu, nặng đầu.
  • Viêm tai giữa mạn tính hồi viêm sẽ khiến người bệnh sốt cao kéo dài, ăn ngủ không yên, cơ thể suy nhược; khả năng nghe kém hơn rất nhiều; tai bị đau dữ dội, cơn đau lan ra phía vùng thái dương kèm chóng mặt, ù tai;…

Một vài chẩn đoán cận lâm sàng khác sẽ giúp xác định chính xác thể bệnh, nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa:

  • Khám tai, soi tai, soi màng nhĩ
  • Cấy dịch tai
  • Chụp CT scan đầu hoặc vùng xương chũm
  • Đo thính lực

Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán này nhằm xác định một số nguyên nhân gây bệnh dựa trên các trình trạng cụ thể như:

  • Viêm ngoài ống tai
  • Nhọt xuất hiện ngoài ống tai
  • Viêm tấy hạch
  • Xuất hiện các tổ chức liên kết phía sau tai
  • Viêm tai cấp tính gây phản ứng xương chũm
  • Viêm tai giữa sau bệnh lao phổi
  • Viêm tai giữa do bệnh giang mai (do xoắn khuẩn)

Hướng điều trị viêm tai giữa hiệu quả

Như đã đề cập ở trên, viêm tai giữa là một bệnh lý tuyệt đối không được coi thường, người bệnh nên tìm hiểu kỹ về các phương pháp điều trị để có hướng xử lý kịp thời nhất.

Nguyên tắc điều trị

Các bác sĩ khi đưa ra phác đồ điều trị viêm tai giữa cho từng bệnh nhân đều tuân thủ theo nguyên tắc:

  • Phác đồ xây dựng với mục đích kiểm soát, kìm hãm sự lan rộng của vùng nhiễm trùng; loại bỏ tối đa dịch mủ, dịch tiết ứ đọng trong tai; đề cao hiệu quả nâng cao chức năng thính giác.
  • Không lạm dụng sử dụng kháng sinh vì thuốc sẽ khiến các triệu chứng thuyên giảm, khó chẩn đoán, bệnh có thể tiến triển sang mạn tính bất cứ lúc nào.
  • Điều trị tại chuyên khoa Tai mũi họng và tuân thủ chính xác phác đồ được đưa ra.
viem tai giua
Điều trị viêm tai giữa ở trẻ nhỏ cần có phác đồ chi tiết

Điều trị bằng Tây y

Điều trị nội khoa: 

  • Sử dụng thuốc nhằm loại bỏ triệt để dịch tiết nhiễm trùng, thuốc được sử dụng là nước muối sinh lính hoặc oxy già 6-10 đơn vị. Bác sĩ tiến hành nhỏ dung dịch vào tai, hút rửa, lau khô.
  • Dùng thuốc kháng sinh nhỏ trực tiếp vào tai: Gentamycin, Neomycin, Polymyxin,…
  • Dùng kháng sinh toàn thân
  • Tiến hành điều trị song song các bệnh lý tai mũi họng liên quan

Điều trị ngoại khoa:

  • Trường hợp phát hiện Polyp hòm nhĩ thò ra ngoài, trong tai xuất hiện mô hạt cần phẫu thuật cắt bỏ sớm. Phẫu thuật tai các trường hợp này khá khó và có thể xảy ra rủi ro vì có thể chạm tới các dây thần kinh.
  • Phẫu thuật vá màng nhĩ hoặc mở sào bào.
  • Phẫu thuật tiệt căn xương chũm.

Mẹo dân gian chữa bệnh viêm tai giữa

Ông bà ta từ xưa đã phát hiện ra nhiều bài thuốc hay giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả chứng viêm tai giữa mà không phải quá lo lắng về tác dụng phụ. Một số mẹo hay vẫn được áp dụng cho đến ngày nay, ví dụ như:

  • Uống nước lá diếp cá: lá diếp cá rửa sạch, thêm một vài quả táo đỏ, đem sắc nước và uống hết trong ngày.
  • Thổi sáp ong: Dùng sáp ong bào nhỏ, cuốn vào 1 tờ giấy thành hình như điếu thuốc. Nằm hướng tai lên phía trên, cho cuộn giấy vào sát lỗ tai, đốt cháy đầu giấy để tạo khó. Chỉ đốt lửa nhẹ để không tạo thành đốm lửa có thể gây nóng bỏng da.
  • Dùng cây sống đời: Rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 5 phút để loại bỏ bụi bẩn. Để ráo lá rồi đâm bằng chày thật nhuyễn. Dùng tăm bông thấm nước cốt và thấm vào tai bị viêm.
  • Dùng lá mơ: Lá mơ rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 5 – 10 phút. Hơ trên lửa nhỏ đến khi lá nóng, để nguội còn ấm thì vò nát và nhét vào tai để qua đêm.

Xem thêm

viem tai giua
Tính kháng khuẩn kháng viêm của lá diếp cá sẽ hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng viêm tai giữa

Các bài thuốc dân gian để an toàn và hầu hết không gây tác dụng phụ ngoài ý muốn. Người bệnh cũng rất dễ dàng tìm được các loại nguyên liệu ngay xung quanh cuộc sống với chi phí vô cùng rẻ. Tuy nhiên, do chưa được tinh chế dược tính nên việc áp dụng các phương pháp này có hiệu quả không cao, người bệnh cần kiên trì thực hiện trong thời gian dài nếu muốn nhận thấy sự thay đổi.

Phương án chăm sóc bệnh nhân viêm tai giữa

Một khi đã được chẩn đoán mắc viêm tai giữa, người bệnh và người thân bệnh nhân cần hết sức lưu ý trong chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Tốt nhất nên tuân theo chỉ định bác sĩ điều trị trực tiếp.

Viêm tai giữa nên ăn gì?

  • Các loại rau xanh chứa nhiều chất xơ và khoáng chất
  • Các loại thực phẩm giàu vitamin C
  • Thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật
  • Ăn nhiều các loại cá biển
  • Chế biến thức ăn mềm, khuyến cáo nên ăn món luộc thay vì món chiên xào.
viem tai giua
Rau củ và trái cây giàu chất xơ đặc biệt tố cho bệnh nhân viêm tai giữa

Viêm tai giữa kiêng ăn gì?

  • Các loại thực phẩm có nguy cơ gây tăng đường huyết
  • Các loại thức ăn cứng, khó nhai, khó cắn, khó nuốt
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm dạng sấy khô
  • Đồ ăn nhiều gia vị, đồ cay nóng, đồ chiên xào

Viêm tai giữa cần chú ý gì?

  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, nhẹ nhàng và đúng cách theo chỉ dẫn bác sĩ.
  • Uống thuốc đều đặn, không bỏ liều
  • Uống nhiều nước, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn và tăng số lần bú
  • Nếu có dấu hiệu sốt nên chườm bằng khăn ấm, mặc quần áo mỏng
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào như đau nhức quá sức chịu đựng, trẻ nhỏ quấy khóc nhiều hơn; nôn mửa,… cần nhanh chóng tới gặp bác sĩ
  • Tái khám thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị và có hướng điều chỉnh phù hợp.

Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh lý có thể phòng ngừa nếu mỗi người, đặc biệt là phụ huynh trẻ nhỏ ghi nhớ:

  • Chú ý giữ ấm cho vùng tai, cổ, gan bàn chân khi thời tiết chuyển sang mùa đông.
  • Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, không rửa quá sâu, sát trùng dụng cụ khi vệ sinh.
  • Tuyệt đối không ngoáy tai, ngoáy mũi bằng tay, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các môi trường lạ, ô nhiễm.
  • Nếu được chẩn đoán mắc bất kỳ bệnh lý nào liên quan đến Tai mũi họng cần điều trị sớm và dứt điểm ngay.
  • Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với môi trường khói bụi, lọc không khí, vệ sinh nhà cửa thường xuyên.
  • Chú ý khi bơi lội, lựa chọn khu nước sạch, vệ sinh tai ngay sau khi bơi.
  • Trẻ bú sữa mẹ không nên nằm bú.
  • Trẻ nhỏ cần tiêm phòng theo quy định khi đủ tuổi.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân cảm cúm, cảm thông thường,…

Thông tin về bệnh lý viêm tai giữa quan trọng với tất cả mọi người. Rất nhiều trường hợp vì coi thường bệnh khiến không kịp trở tay với biến chứng. Ngay từ hôm nay, các bố mẹ hãy chủ động hơn trong việc phòng bệnh cho con em mình để các bé có một sức khỏe toàn diện nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *