Bài tập dưỡng sinh điều hòa hơi thở

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Luyện thở là một trong những nội dung chủ yếu của các phương pháp dưỡng sinh bởi vì hít thở là hoạt động mang tính sinh mạng không thể không diễn ra. Hít thở không chỉ đơn giản là cung cấp thêm dưỡng khí mà còn giúp điều hòa vận hành của các cơ quan tạng phủ. Bài tập dưỡng sinh điều hòa hơi thở của Nhất Nam Y Viện là một trong những phương pháp tập thở giúp cải thiện sức khỏe mỗi ngày.

Tác dụng của hít thở đối với cơ thể con người

Chúng ta có thể nhịn ăn 7 ngày nhưng không thể nhịn thở được 7 phút, chỉ cần không thở 3-4 phút, tế bào não đã bị tổn thương nghiêm trọng do thiếu Oxy. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng hít thở sâu có nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất cho cơ thể.

Bên cạnh đó, hít thở sâu có tác dụng rất lớn đối với chức năng hoạt động của các cơ quan tạng phủ trong cơ thể mỗi người.

Tác dụng lên hệ Tuần hoàn

  • Thở sâu giúp cải thiện chức năng tim:

Quả tim giống như cái bơm tống máu đi nuôi cơ thể. Nếu trái tim nhỏ và yếu sẽ không đảm nhiệm được chức năng của mình, khi vận động tim không đủ sức cung cấp máu cho cơ thể trong khi đó nhu cầu đòi hỏi lại cao. Chính vì vậy sẽ gây nên hạn chế khả năng vận động, người sẽ nhanh chóng bị mệt mỏi. 

Nếu bắt trái tim nhỏ yếu làm việc liên tục ở cường độ cao dần dần sẽ bị suy tim. Rèn luyện thở sâu sẽ làm lồng ngực nở nang, tăng cường khả năng thông khí đồng thời làm tim co bóp mạnh, động mạch vành dãn ra, chuyển nhiều máu đến nuôi dưỡng tim, cơ tim sẽ mạnh mẽ và khỏe lên. Sau một thời gian luyện thở sâu, trái tim sẽ đủ khả năng vận động, làm việc được lâu và có sức cơ thể sẽ tránh bị mệt mỏi, hoa mắt. 

  • Thở sâu giúp máu tĩnh mạch về tim dễ dàng, giảm bớt gánh nặng cho tim:

Máu tĩnh mạch vận chuyển tới tim nhờ nhiều yếu tố như sức bơm của tim, sức hút của lồng ngực, lực co bóp của các cơ khi vận động, sức đẩy của động mạch… Trong đó sức hút của lồng ngực đáng được quan tâm vì càng thở sâu sức hút của lồng ngực càng mạnh do áp suất âm ở trong lồng ngực tăng lên làm máu chảy về tim được dễ dàng (trong lồng ngực áp suất thấp hơn ấp suất không khí bên ngoài khoảng 1 atmotphe( atmostphere) độ 2 – 3 mmHg gọi là áp suất âm).

Khi thở sâu cơ hoành hạ xuống ép các tạng phủ trong bụng làm cho trong ngực áp suất âm (thấp hơn áp suất không khí bên ngoài), trong bụng áp suất dương (nghĩa là cao hơn áp suất không khí bên ngoài). Vì vậy máu tĩnh mạch trở về tim dễ dàng hơn.

Tác dụng với hệ Hô hấp

  • Làm tăng dung tích thở

Những người thường xuyên tập luyện thở sâu làm cho lồng ngực giãn ra, phổi có khả năng chứa khí lớn hơn, họa động hô hấp sẽ diễn ra hiệu quả hơn

  • Làm tăng khả năng trao đổi khí O2 và CO2

Càng thở sâu việc trao đổi khí càng hoàn chỉnh, bằng cách tăng khí thanh (O2) thải trọc khí (CO2) làm cho máu luôn luôn đỏ tươi giúp nuôi dưỡng tế bào được tốt đặc biệt là tế bào não. 

  • Phòng và chữa một số bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, hen phế quản, bụi phổi, lao phổi.

Tác dụng với hệ Thần kinh

Tế bào não rất nhạy cảm với oxy, nếu cung cấp đầy đủ, tinh thần sảng khoái, nhanh nhẹn, hoạt bát làm việc không biết mệt mỏi. Nếu thiếu oxy người mệt mỏi, buồn ngủ, không muốn làm việc. Chúng ta luyện thở thường xuyên sẽ cung cấp đầy đủ oxy cho hệ thần kinh hoạt động, làm chậm quá trình lão hoá của hệ thần kinh, đầu óc minh mẫn tránh lú lẫn ở tuổi già, điều hoà khí huyết cơ thể khoẻ mạnh, các bộ phận trong cơ thể do hệ thần kinh chỉ huy được chạy đều tránh được các bệnh rối loạn thần kinh và tâm thần. 

Ngoài ra luyện thở còn có tác dụng điều hoà hệ thần kinh thực vật. Trung khu hô hấp có liên hệ mật thiết với các trung tâm thần kinh thực vật khác như trung tâm thần kinh tuần hoàn, tiêu hoá, bài tiết. Vì vậy có ảnh hưởng đến các trung tâm ấy. Ví dụ: Khi ta buồn nôn nếu ta thở sâu, đều, chậm theo một nhịp điệu nhất định thì cơn buồn nôn sẽ hết. Hoặc tim hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, ta nằm nghỉ ngơi yên tĩnh và luyện thở, một lát sau tim trở lại bình thường. 

Tác dụng với hệ Tiêu hóa và bài tiết

Khi hít vào sâu cơ hoành hạ xuống phía dưới, khi thở ra cơ hoành nâng lên các tạng phủ cũng lên theo cứ như vậy theo một nhịp điệu nhất định có tác dụng xoa bóp các tạng phủ như: gan, tụy, lách, dạ dày, ruột, kích thích tiêu hoá, ăn ngon, tránh đầy hơi, chướng bụng, chống táo bón,…

Bài tập Dưỡng sinh điều hòa hơi thở – Nhất Nam Y Viện

Bài tập thở này là để luyện về khí và huyết, ổn định vận hành khí huyết của cơ thế. Bên cạnh đó còn điều hòa hoạt động thần kinh của não, chủ động về hưng phấn và ức chế nhằm mục đích ngủ tốt, đồng thời làm cho khí huyết lưu thông.

 

Tư thế

  • Tư thế nằm ngửa: Tốt nhất là luyện ở tư thế nằm ngửa, chân thẳng, một tay để trên ngực, một tay để trên bụng, có thể gối đầu hay không cũng không sao. 
  • Tư thế nằm nghiêng: Không tốt bằng nằm ngửa, có thể nằm nghiêng bên phải hoặc bên trái, tay trên để úp lên đùi, tay dưới để kế bên đầu, chân dưới ngay, chân trên hơi co lại, hoặc hai tay khoanh lại, buông xuôi trước ngực, bàn tay để úp (để có thể đếm được). 
  • Tư thế ngồi: Ngồi buông thõng chân xuống đất, lưng ngay, hai tay để thoải mái trên đùi, ngón chân cách mặt đất 5-10cm

Kỹ thuật thở

  • Bước 1: Hít vào từ từ, đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình, khi hít vào tối đa cơ ức đòn chũm căng lên. Thời gian khoảng 10-15 giây. 
  • Bước 2: Ngừng hít vào, Giữ hơi, tối thiểu 5 giây, căng bụng, nén khí chặt ở bụng dưới, cảm nhận dòng khí xoáy mạnh ở bụng dưới (Đan điền), tùy theo sức chịu đựng mà nén khí càng lâu càng tốt.
  • Bước 3: Thở ra thoải mái, tự nhiên, không kìm, không thúc, thở ra nhẹ nhàng, không tạo ra tiếng rít, đưa lồng ngực và cơ bụng về vị trí bình thường, sau đó co thêm cơ bụng để đẩy hết trọc khí ra ngoài. Thời gian khoảng 10-12 giây.
  • Bước 4: Ngừng thở, thư giãn hoàn toàn, có cảm giác cơ thể thoải mái điều hòa khoan khoái và ấm nóng. Thời gian khoảng 5 giây. Sau đó quay trở lại bước 1.

Tần suất bài tập

Để có hiệu quả tốt nhất, chúng ta nên tập hàng ngày, mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần tập khoảng 20-30 phút. Có thể tập khi mới ngủ dậy, trước khi ngủ, khi căng thẳng áp lực,…

Lưu ý khi tập cần thả lỏng cơ thể, thư giãn đầu óc, chỉ tập trung vào nhịp thở và các bước, quên đi mọi buồn phiền và lo lắng trong công việc và cuộc sống để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tập hít thở, điều hòa hơi thở là một phương pháp mang lại lợi ích tích cực cho sức khỏe và cuộc sống của mỗi người. Hãy dành tối thiểu 10 phút mỗi ngày luyện tập hít thở sâu, hãy đưa hít thở sâu trở thành thói quen mỗi ngày. Chắc chắn bạn sẽ thấy việc luyện tập thở sâu đem đến cho bạn một cuộc sống khỏe mạnh và tràn trề sức sống.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *