Bí mật khám chữa bệnh của Thái Y Viện triều Nguyễn

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Thái Y Viện triều Nguyễn là đơn vị được thành lập nhằm chuyên trách thực hiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và tìm kiếm, nghiên cứu thuốc cho vua chúa và hậu cung. Trong quá trình thu thập tài liệu liên quan đến cuốn Châu bản triều Nguyễn – Ngự dược nhật ký, đội ngũ Nhất Nam Y Viện đã được lắng nghe nhiều chia sẻ và đọc được những ghi chép về bí mật cung cấm trong việc khám chữa bệnh: 

Thái Y Viện triều Nguyễn thành lập năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi. Ban đầu được xây dựng ở phường Dưỡng Sinh trong kinh thành năm 1810, đến thời Minh Mạng thì cơ cấu được hoàn chỉnh và dời về phía Đông Duyệt Thị Đường trong Tử Cấm Thành. 

Toàn bộ Thái Y Viện với cơ cấu hoàn chỉnh gồm 100 quan lại các cấp, đều là ngự y có y thuật cao minh được tuyển chọn cẩn thận, sát hạch từng người qua Nội Các, hoặc những ngự y lão thành. Một số ngự y có danh tiếng khám bệnh sẽ được trực tiếp đến sát hạch rồi tâu lên trên và đưa vào kinh thành. 

kham-chua-benh-cua-thai-y-vien-trieu-nguyen
Di sản y học, lịch sử để lại trong hệ thống Châu bản triều Nguyễn – cuốn Ngự dược nhật ký

Thái Y Viện được giao phụ trách tất cả những sự có liên quan đến bệnh tật cho vua và hoàng tộc: “Phàm việc phân biệt thực, hư, âm, dương và phép ngọn, gốc, trước sau, những sự có liên quan đến thuốc thang đều giao cho viện Thái Y”. Lịch trình làm việc của các quan ngự y cũng đều hết sức nghiêm ngặt, tuân thủ theo quy định rõ ràng. Viện sứ (người đứng đầu Thái Y Viện cùng các ngự y cấp dưới phân công nhau túc trực ngày đêm phòng các việc cần đến. Trong trường hợp vua đi đường xa, Thái Y Viện sẽ cử người mang thuốc thang theo hầu phòng bất trắc. 

Ghi chép trong Châu bản triều Nguyễn – Ngự dược nhật ký phần nào phản ánh những lối sống, sinh hoạt, bệnh tật của vua chúa cũng như những áp lực, trách nhiệm của đội ngũ ngự y thời triều Nguyễn tại cung đình Huế: 

Khám chữa bệnh cho vua chúa

Cứ là những sự liên quan đến nhà vua đều cần được phê duyệt nhiều bước kỹ càng, đặc biệt là khám chữa bệnh. Đa số các bệnh tình của nhà vua đều phải bí mật vì liên quan đến chính trị. Khám bệnh hay dâng thuốc cho nhà vua đều hết sức cẩn trọng, chỉ có những ngự y am hiểu mạch lý, phương pháp chữa bệnh rõ ràng thì mới được cấp lệnh bài ngà vào để bắt mạch, gọi là “ngự chẩn” cho vua. Thường chỉ có 1 ngự y tham gia chữa bệnh nhưng một số bệnh trạng nghiêm trọng thì sẽ có 2-3 ngự y làm việc cùng lúc. Trong tình huống bệnh tình đặc biệt có thể tuyên quan lại khác am hiểu y thuật hoặc một thầy lang có tiếng ở ngoài vào chữa bệnh cho vua. Ví dụ như năm 1838 là Minh Mạng thứ 19 ghi chép “Y chính viện Thái Y là Đặng Văn Giảng, Trần Duy Huân đều là người cẩn hậu, cấp bài ngà vào cung xem mạch”. Đến năm 1843 và Thiệu Trị thứ 3 thì tuyên toàn những người y thuật lão thành vào ngự chẩn như Y chính Hoàng Đức Hạ, Y phó Nguyễn Văn Đường… 

kham-chua-benh-cua-thai-y-vien-trieu-nguyen
Tấu sớ liên quan đến thuốc thang có đầy đủ ghi chép, xác nhận

Ngự y có nhiệm vụ bắt mạch chẩn bệnh cho vua, sau đó phải giải thích cặn kẽ nguyên nhân, biểu hiện bệnh để nhà vua nắm được. Trở về Thái Y Viện sẽ họp bàn về phương pháp trị bệnh và kê đơn thuốc rồi làm tấu dâng lên để vua chuẩn duyệt. Nếu vua đồng ý thì phải lập tức đi bào chế thảo dược, sắc thuốc dâng vua uống. Toàn bộ quá trình đều được giám sát chặt chẽ bởi Nội các và đường quan. Thảo dược sắc thuốc chủ yếu là qua thu thuế bằng dược liệu mà vua quy định các địa phương nộp về theo đặc sản của từng vùng miền hoặc thu mua qua các thương nhân buôn thuốc người Hoa. Thuốc phải có vị tinh khiết, thượng hạng, dùng xong phải có sự biến chuyển bệnh tình. 

Cứ 2 năm một lần, triều Nguyễn lại định kỳ kiểm tra năng lực khám chữa bệnh của ngự y trong Thái Y Viện, xem có vị trí nào cần nâng cao hoặc thay đổi hay không. Đây cũng là dịp xem xét thưởng phạt ngự y trong suốt quá trình làm việc. Ngự y nào nếu đã từng chữa khỏi bệnh cho vua hoặc những người trong hoàng tộc đều được hưởng vinh hoa, tiền của ít người sánh bằng. Nhưng nếu lỡ phạm sai lầm trong bất kỳ công đoạn nào hoặc dâng thuốc xong mà bệnh tình người bệnh không thuyên giảm thì sẽ bị xử tội, bắt giam thậm chí tuyên tử hình, ảnh hưởng đến cả gia tộc. Bởi vậy, người ta vẫn nói “làm bạn với vua khác nào làm bạn với hổ”. 

Tất cả quan viên ngự y trong cung đều phải làm việc dưới áp lực không hề nhỏ với một thái độ nghiêng mình kính cẩn. Trong các bản tấu dâng vua lúc nào cũng được mở đầu bởi những câu từ đầy sự cẩn trọng như: “Chúng thần ở Thái Y Viện cẩn tấu, trăm ngàn lạy, cúi đầu sát đất, dâng đấng bề trên…”. Dẫu vậy, vì sức khoẻ của vua là vàng ngọc nên các ngự y luôn dốc hết nỗ lực để chữa trị. 

Khám chữa bệnh cho cung nữ

Ngoài việc chăm lo sức khoẻ và đời sống cho nhà vua, các ngự y thuộc Thái Y Viện còn được giao việc khám chữa bệnh cho các cung tần mỹ nữ trong hậu cung. Việc này cũng được quy định hết sức nghiêm ngặt. 

Những ngự y chữa bệnh cho hậu cung cũng là những người được tuyển chọn cẩn mật. Năm 1843 là Thiệu Trị thứ 3, nhà vua chỉ thị Thái Y Viện chọn người giỏi vào cung xem mạch cho trực hầu. Thái Y Viện đã tiến cử Y chính Hoàng Đức Hạ và Y phó Nguyễn Văn Đường đều là những ngự y lão thành, được ban bài ngà vào cung bắt mạch. Trong những lúc cấp bách, một số trường hợp cá biệt từ ngoài cung được cho vào chữa bệnh cho cung tần mỹ nữ, nhưng thường rất hy hữu và phải tấu trình rõ ràng ngay sau khi làm việc. Trong cuốn Châu bản triều Nguyễn – Ngực dược nhật ký có lưu lại một bản tấu ghi rằng vào 17 tháng 10 năm 1833 tức Minh Mạng thứ 14, quan ngự y Phạm Văn Thông có trình trường hợp thái y Võ Doãn Tuấn mang nha bài đến ngôi nhà nhỏ để bắt mạch cho mỹ nhân Nguyễn Gia Thị, xong việc liền trở về tâu bày. 

kham-chua-benh-cua-thai-y-vien-trieu-nguyen
Lệnh bài ngà của Thái Y được cho phép vào cung chữa bệnh

Thời Nguyễn có lưu truyền lại, chỉ có hoàng thái hậu và vua mới được qua đời ở trong cung. Những người khác như cung nữ, thái giám, phi tần khu qua đời đều phải đưa qua Bình An Đường. Tạp chí Những người bạn cố đô Huế của tác giả A.Laborde tập 15/1928 dịch bởi NXB Thuận Hoá, có ghi lại “Bình An Đường là ngôi nhà mà các nữ nhân nội cung khi hấp hối đều được khẩn trương chuyển ra đó”. Bình An Đường giống như bệnh xá của triều đình ở phía Bắc hoàng thành. Hoàng thân quốc thích khi già yếu được chuyển tới đây để an dưỡng, ngoài ra có cung nữ, thái giám chuyển tới khi bệnh nặng để không phải chết ở trong cung. Những người không thuộc hoàng tộc nếu không may chết sẽ phải quấn chiếu ném qua tường thành, không được đưa qua cửa. 

Đối với những cung tần, mỹ nữ của các vị vua đời trước mà đang phục vụ trong các lăng vua hoặc điện thờ có phần dễ dàng hơn so với đương triều. Thái Y Viện được cắt cử người đến khám chữa bệnh thường xuyên theo chỉ thị vua ban, thuốc thang lấy từ kho nhà nước. Sách có ghi chép, vào năm 1847 tức Tự Đức thứ nhất, khi vua lên ngôi đã ban dụ lệnh Thái Y Viện cử 2 ngự y cùng 1 y sinh ngoại khoa mang thuốc của nhà nước đến cung Bạo Định chữa trị cho phi tần, cung nhân, tài nhân, cung nga. 

khám chữa bệnh của thái y viện triều nguyễn
Ngự y được cho phép mới có thể khám bệnh cho cung nhân

Những ghi chép lịch sử trong cuốn Châu Bản triều Nguyễn – Ngự dược nhật ký chính là những tham chiếu chân thực để chúng ta hiểu hơn về bối cảnh lịch sử, y học cổ truyền thời nhà Nguyễn. Đồng thời có thêm thông tin để ứng dụng đúng và hiệu quả những bài thuốc Đông y từ thời này.

Xem thêm:  Hành trình tìm ra cuốn Châu bản triều Nguyễn – Ngự dược nhật ký của TS.Bác sĩ Nguyễn Thị Vân Anh

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *