Viêm Xoang Sàng Sau: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Cách Điều Trị

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Viêm xoang sàng sau là một trong những bệnh lý tai mũi họng phổ biến và khó để điều trị dứt điểm. Bệnh có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cũng như đời sống sinh hoạt, chất lượng công việc của người mắc. Vậy để biết đâu là nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn đọc có thể tham khảo thêm trong bài viết dưới đây. 

Viêm xoang sàng sau là gì?

Xoang là hệ thống các hốc nối liền nhau nằm trong khu vực xương sọ. Chúng được lót bởi các lớp niêm mạc với nhiệm vụ dẫn thông không khí, tiết dịch. Để thuận tiện cho việc giải phẫu, xoang được chia thành các loại gồm xoang trán, xoang hàm, xoang sàng trước, xoang bướm và xoang sàng sau. Trong đó, xoang sàng sau nằm sâu nhất trong hốc mũi, gần xương sọ cùng nhiều dây thần kinh vùng đầu. 

Tham khảo: Viêm Xoang Trán – Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách Chữa Bệnh

Hình ảnh xoang sàng sau
Hình ảnh xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau là tình trạng xoang sàng sau bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus hoặc vi nấm. Lúc này, vùng xoang sẽ tích tụ dịch mủ, gây ra các triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được điều trị tốt, bệnh có thể lan sang các cơ quan lân cận như mắt, tai và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. 

Triệu chứng viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau thường được nhận biết dựa trên các triệu chứng điển hình như sau:

Đau nhức đầu

Như chúng ta đã biết, toàn bộ hốc xoang đều nằm rải rác trên mặt, trải dài từ giữa trán tới hàm trên và từ trước ra sau gáy. Vì thế, viêm xoang nói chung hay xoang sàng nói riêng đều khiến người bệnh xuất hiện các cơn đau nhức đầu. 
Những cơn đau này phát triển mạnh mẽ cả về mức độ lẫn diện tích. Chúng sẽ nhanh chóng lan rộng lên hai thái dương rồi tới giữa trán, vùng giữa khóe mắt. Cũng bởi vậy nên triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với viêm xoang trán. Tuy nhiên, đau nhức đầu do viêm xoang sàng sau thường tập trung chủ yếu ở sống mũi và giữa hai khóe mắt. 

Chảy dịch mũi

Khi bị viêm xoang, chảy dịch mũi là biểu hiện điển hình nhất. Với tình trạng viêm xoang này, dịch mũi có thể có màu trong suốt hoặc mủ màu vàng xanh tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, so với viêm mũi thông thường, dịch viêm xoang sàng sau không chảy ra theo đường mũi mà chủ yếu chảy xuống cổ họng. 

Ngạt mũi, tắc mũi

Tắc mũi, ngạt mũi xuất hiện ở phần lớn bệnh nhân bị viêm xoang do dịch mủ ở hốc xoang chảy xuống mũi. Lúc này, bệnh nhân sẽ phải thở bằng mũi hoặc kê đầu cao khi nằm để cảm thấy dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, người bệnh còn cảm giác toàn thân mệt mỏi, sốt và đau hốc mắt. 

Cổ họng có cảm giác vướng đờm

Do dịch mũi chảy xuống cổ họng nên bệnh nhân sẽ có cảm giác vướng cổ, nhiều đờm. Được biết, đờm bản chất là dịch nhầy hô hấp cùng với dịch viêm bị tràn từ hốc xoang nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi sinh vật có hại sinh sôi, phát triển. 

Tìm hiểu thêm: Viêm Xoang Hàm Có Nguy Hiểm Không?

Cổ họng có cảm giác vướng đờm, khó chịu
Cổ họng có cảm giác vướng đờm, khó chịu

Nếu cổ họng vướng đờm lâu ngày có thể dẫn tới viêm họng. Bệnh nhân sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như ho khan, muốn khạc nhổ, gặp khó khăn khi nuốt, nói chuyện, khó thở, thở khò khè,… Trong đó, thở khó khăn sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn về đêm, thậm chí nhiều trường hợp còn bị ngưng thở khi ngủ.  

Hơi thở có mùi

Dịch viêm ở hốc xoang sàng sâu tích tụ lâu ngày nhưng không được dẫn lưu ra ngoài sẽ chảy xuống cổ họng. Ngoài gây ra tình trạng viêm họng, chúng còn khiến hơi thở người bệnh có mùi, làm ảnh hưởng tới việc giao tiếp. Song bệnh sẽ trở nên khó kiểm soát hơn nếu bệnh nhân không vệ sinh răng miệng tốt hoặc uống không đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày. 

Giảm thị lực

Xét theo vị trí, các xoang sàng sau nằm rất gần với hai ổ mắt – nơi tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu. Vậy nên nếu xoang sàng sau bị viêm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ phận này. Theo đó, bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhức mắt, chảy nước mắt, suy giảm thị lực. 

Nguyên nhân gây viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau có thể hình thành do những nguyên nhân sau đây:

  • Do vi khuẩn, virus, vi nấm: Đây là những yếu tố điển hình gây nên các ổ viêm tại hốc xoang sàng sau. 
  • Cấu trúc bất thường của hốc xoang sàng sau: Một trong những nguyên nhân khiến xoang sàng sau bị viêm có thể là do cấu trúc bất thường ở vùng xoang này. Mặt khác, do xoang sàng sau thông với mũi bằng một ống rất nhỏ nên dễ làm dịch mủ ứ đọng, tích tụ trong hốc xoang nhưng lại khó thoát ra ngoài. Từ đó gây khó khăn cho việc điều trị cũng như khiến bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần. 
  • Cơ địa yếu, sức đề kháng kém: Trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bị suy dinh dưỡng, suy nhược, rối loạn nội tiết tố,… Đây đều là những đối tượng có cơ địa yếu, sức đề kháng kém nên dễ có khả năng mắc các bệnh tai mũi họng. Bên cạnh đó, những trường hợp có cơ địa đặc biệt dễ dị ứng mũi cũng có nguy cơ cao bị viêm xoang sàng sau. 
  • Có tiền sử mắc bệnh hô hấp: Viêm amidan, viêm họng, viêm tai giữa, viêm mũi, viêm tai trong,… Nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm có thể chuyển qua thể mãn tính, gây viêm nhiễm và lan tới khu vực xoang. 
  • Thay đổi thời tiết đột ngột, ô nhiễm môi trường: Thời tiết thay đổi đột ngột cũng là một trong những nguyên do gây viêm xoang cho nhiều người. Lý do là bởi cơ thể không kịp thích nghi với sự thay đổi khiến hệ miễn dịch bị rối loạn. Cộng thêm việc không giữ ấm vùng mặt, mũi trong thời tiết lạnh cũng làm nhiều người bị viêm xoang. Bên cạnh đó, khí thải, bụi mụn từ môi trường ô nhiễm xung quanh cũng có khả năng xâm nhập vào hốc xoang, gây viêm nhiễm qua đường mũi. 

Đọc thêm: Viêm Xoang Bướm – Triệu Chứng, Cách Chữa Và Phòng Ngừa

Cơ địa yếu, sức đề kháng kém sẽ khiến bệnh dễ bùng phát hơn
Cơ địa yếu, sức đề kháng kém sẽ khiến bệnh dễ bùng phát hơn

Biến chứng của viêm xoang sàng sau

Viêm xoang sàng sau có nguy hiểm không hay các biến chứng của viêm xoang sàng sau là gì là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Bệnh viêm xoang này nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách và dứt điểm có thể gây ra vô số biến chứng nguy hiểm. 
Theo đó, bệnh nhân bị viêm mũi xoang cấp tính do vi khuẩn có khả năng bị viêm màng não, áp xe não, viêm mô tế bào quanh hốc mắt. Một số trường hợp còn bị huyết khối xoang hang do sự lây lan của nhiễm trùng xoang vào hệ thần kinh trung ương. 
Trường hợp bị viêm xoang do nấm xâm lấn tối cấp ở các bệnh nhân bị ức chế miễn dịch hay mắc bệnh đái tháo đường kiểm soát kém. Lúc này, nấm xoang có thể tiến triển nhanh chóng, đe dọa đến tính mạng nên cần hết sức cẩn trọng. 

Phương pháp chẩn đoán viêm xoang sàng sau

Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới bệnh viện thực hiện kiểm tra. Cụ thể, sau khi tiến hành thăm hỏi về các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý, để kết quả chẩn đoán được chính xác hơn, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm các xét nghiệm sau đây: 

Tiến hành nội soi mũi xoang

Nội soi kèm cấy hút mũi dịch xoang sẽ được thực hiện kiểm tra tình trạng bên xoang hốc xoang sàng sau. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng ống soi quang học cứng để luồn qua đường mũi vào trong xoang để quan sát. Nội soi mũi xoang sẽ được tiến hành khi:

  • Bác sĩ nghi ngờ về sự lan rộng nội sọ của nhiễm trùng xoang. 
  • Bệnh nhân không đáp ứng với kháng sinh, bị suy giảm miễn dịch, mắc bệnh xơ nang hoặc vừa mới nhập viện.
  • Một số tác nhân gây bệnh không điển hình được nghi ngờ, bao gồm cả những trường hợp bị viêm xoang bệnh viện. 

Đọc ngay: Viêm Xoang Mủ – Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị

Nội soi mũi xoang
Nội soi mũi xoang

Chụp X-quang và thực hiện các xét nghiệm khác

Chụp X-quang được chỉ định cho những trường hợp bị viêm mũi xoang cấp tính tái phát hoặc viêm mũi xoang mãn tính. Lúc này, bác sĩ sẽ cần khảo sát các nguyên nhân cơ bản của viêm xoang như nội sọ mũi thông qua việc chụp X-quang, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm dị ứng. Cụ thể như sau:

  • Chụp X-quang: Giúp đánh giá tình trạng viêm, tắc nghẽn giải phẫu trong viêm xoang sàng sau mãn tính và tình trạng cấp tính tái phát. 
  • Xét nghiệm miễn dịch: Được thực hiện với những bệnh nhân bị nhiễm trùng có mủ dai dẳng, gồm đo định lượng nồng độ IgG, IgA, IgM để đánh giá phản ứng của kháng thể với các kháng nguyên protein, polisaccarit. Lúc này, số lượng, chức năng của tế bào T đo được có thể dùng để đánh giá khả năng miễn dịch qua trung gian tế bào. 
  • Xét nghiệm dị ứng: Giúp phát hiện tình trạng dị ứng, suy giảm miễn dịch và thường được chỉ định ở những bệnh nhân mắc viêm xoang mãn tính hoặc cấp tính tái phát. Đặc biệt là những trường hợp bị viêm xoang kèm theo viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, giãn phế quản. 

Chẩn đoán phân biệt

Có không ít bệnh mũi xoang có triệu chứng giống với viêm xoang sàng sau. Vậy nên bệnh nhân cần tiến hành làm chẩn đoán phân biệt để xác định chính xác bệnh cảnh. Các loại bệnh lý có cùng triệu chứng với viêm xoang sàng sau có thể bao gồm rò mũi dịch não tủy, polyp mũi, hội chứng rối loạn vận động thể mi,… 
Chẩn đoán phân biệt có thể xác định được bệnh thông qua soi mũi họng hoặc chụp cắt vi tính. Các khối u ở mũi có thể lành tính, ác tính và thường xuất hiện với tình trạng tắc nghẽn. Các đánh giá ban đầu có thể bao gồm dấu hiệu sinh tồn, khám thực thể vùng đầu – cổ. Các phát hiện đáng chú ý lúc này sẽ có tình trạng phù lan tỏa, ban đỏ khu trú ở xương gò má, quanh hốc mắt, chảy nước mũi, tổn thương ngoài xoang,… 
Soi mũi trước có thể thấy niêm mạc phù nề lan tỏa, phì đại cuốn mũi dưới, thu hẹp cuốn mũi giữa, chảy nước mũi nhiều, chảy mũi hoặc lệch vách ngăn, polyp,… Chi tiết tình trạng và các vấn đề liên quan, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám, kiểm tra để được xác định chính xác. 

Viêm xoang sàng sau nên kiêng ăn gì?

Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng ít nhiều tới tình trạng viêm xoang sàng cũng như hỗ trợ đẩy nhanh quá trình phục hồi, hạn chế để bệnh tái phát nhiều lần. Theo khuyến cáo, bệnh nhân bị viêm xoang nói chung và viêm xoang sàng nói riêng nên hạn chế ăn những thực phẩm sau:

  • Đồ ăn cay nóng có chứa các chất cay như capsaicin, piperine,… dễ làm kích thích niêm mạc mũi. Từ đó khiến triệu chứng nghẹt mũi, đau đầu, chảy nước mũi, sốt,… trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy để tránh làm tăng lượng nhầy, kiểm soát bệnh tốt, bạn cần tránh ăn thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, cà ri, sa tế,… 
  • Sữa, các chế phẩm từ sữa vì chúng có thể làm tăng độ độ nhớt của chất nhầy khiến tình trạng viêm xoang trở nặng hơn. 
  • Thực phẩm chứa chất phụ gia, thức ăn được chế biến sẵn.
  • Thức ăn có khả năng làm kích thích cổ họng như rượu, bia, cà phê,… 

Tham khảo: Viêm Đa Xoang Là Gì, Phòng Ngừa Thế Nào Cho Hiệu Quả?

Tránh dung nạp thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia
Tránh dung nạp thực phẩm có chứa nhiều chất phụ gia

Biện pháp điều trị viêm xoang sàng sau

Điều trị viêm xoang sàng sau sẽ được tiến hành theo chỉ định của bác sĩ sau khi có kết quả chẩn đoán cụ thể. Nhìn chung, việc chữa trị chứng bệnh này cũng tương tự như các bệnh lý viêm xoang khác. Tuy nhiên tùy theo tình trạng bệnh, mức độ nặng nhẹ, thể trạng của bệnh nhân, các cách điều trị có thể khác nhau ở từng người. 

Sử dụng thuốc theo chỉ định

Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm xoang sàng gồm có:

  • Thuốc kháng sinh: Được chỉ định riêng cho những bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng từ trung bình đến nặng kéo dài hơn 7 ngày do vi khuẩn. Tuy nhiên rất khó phân biệt viêm xoang sàng sau do virus hay vi khuẩn trên lâm sàng trong 10 ngày đầu tiên của bệnh nên cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.  
  • Thuốc steroid mũi: Thuốc được dùng để giảm viêm mũi, nhất là những người có kèm theo tình trạng viêm mũi dị ứng. Các loại steroid mũi thường được dùng bao gồm beclomethasone AQ, flunisolide, fluticasone, thuốc xịt mũi định liều MDI, budesonide MDI, triamcinolone AQ, MDI, dexamethasone MDI.
  • Thuốc thông mũi đường uống: Được dùng để làm giảm phù nề niêm mạc, tạo điều kiện thông khí, dẫn lưu mũi xoang. 
  • Thuốc thông mũi tại chỗ: Giảm phù nề nhưng không được dùng quá 3 ngày, chúng được dùng phổ biến hơn loại thuốc thông mũi đường uống vì ít gây ra tác dụng phụ. 

Tiến hành phẫu thuật

Phẫu thuật được tiến hành khi việc điều trị viêm xoang sàng sau bằng thuốc không mang lại hiệu quả cải thiện tốt. Hiện nay có hai hình thức phẫu thuật xoang sàng như sau: 

  • Phẫu thuật mở: Là phương pháp phẫu thuật truyền thống nhưng hiện nay ít được áp dụng vì chúng khiến bệnh nhân mất nhiều thời gian để hồi phục cũng như bị đau nhiều hơn. Ở phương pháp phẫu thuật mở, bác sĩ sẽ rạch một đường bên ngoài da để tiếp cận với xoang bị viêm rồi xử lý chúng. Sau khi thực hiện xong, vết mổ sẽ được khâu lại và có thể để lại sẹo. 
  • Phẫu thuật nội soi: Phương pháp này được áp dụng khá phổ biến trong điều trị viêm xoang bằng phẫu thuật. Bởi phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, ít chảy máu, hạn chế đau đớn, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi cũng như không để lại sẹo. Phẫu thuật được thực hiện bằng cách đưa ống nội soi qua đường mũi để tiếp cận xoang tổn thương. Sau đó bác sĩ sẽ nhìn vào màn hình và dùng dụng cụ chuyên dụng xử lý các xoang bị viêm. 
Phẫu thuật nội soi mũi xoang sàng
Phẫu thuật nội soi mũi xoang sàng

Cách phòng ngừa viêm xoang sàng sau

Muốn phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh cũng như giúp kiểm soát tốt các triệu chứng, tránh để viêm xoang sàng sau tái đi tái lại nhiều lần, các bạn cần nắm được một số vấn đề như sau:

  • Tiêm vắc xin phòng ngừa cúm hàng năm theo chỉ dẫn của bác sĩ. 
  • Giữ ấm vùng tai mũi họng, bịt khẩu trang, mặc đủ ấm khi ra ngoài. 
  • Rửa tay bằng xà bông sát khuẩn và hạn chế sờ tay lên mặt, đặc biệt là mũi. 
  • Không hút thuốc lá. 
  • Điều trị dứt điểm bệnh lý tai mũi họng và thăm khám sức khỏe hàng năm theo khuyến cáo. 
  • Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, hóa chất độc hại. 
  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch như ung thư, đái tháo đường, HIV nên kiểm tra tai – mũi – họng rất dễ bị nấm xoang nên cần kiểm tra thường xuyên. 
  •  Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, tăng cường thực phẩm có khả năng tăng sức đề kháng. Hạn chế dung nạp đồ ăn đồ uống dễ gây kích thích, dị ứng hoặc những đồ uống có cồn, nước ngọt, nước có ga, nước đá,… 
  • Tập thể dục, rèn luyện thể thao cũng là một trong những cách giúp bạn cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng hiệu quả. 
  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý mua, sử dụng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp điều trị viêm xoang tại nhà nếu chưa có sự chỉ định từ người có chuyên môn. 
  • Hạn chế bơi lội, nhất là lặn biển. 

Viêm xoang sàng sau là bệnh tai mũi họng lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả khó lường. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu ban đầu của bệnh, các bạn nên chủ động thăm khám, kiểm tra và điều trị triệt để theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. 

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *