Huyết Trắng Có Lẫn Sợi Máu: Nguyên Nhân Và Cách Xử Lý

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Huyết trắng có lẫn sợi máu là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ. Trên thực tế, đây có thể là tình trạng rối loạn nội tiết thông thường hoặc có thể xuất phát từ những bệnh lý nguy hiểm cần tiến hành điều trị sớm. Để biết chính xác hơn về hiện tượng này cũng như các biện pháp xử lý hiệu quả, mời bạn đọc tham khảo thêm trong bài viết dưới đây. 

Tình trạng huyết trắng có lẫn sợi máu là gì?

Dịch tiết âm đạo (khí hư) bình thường sẽ có màu trắng, trong, không mùi hoặc có mùi tanh nhẹ, không gây ngứa, kích ứng âm đạo. Đồng thời chúng thường có độ đặc, nhầy trong giai đoạn rụng trứng và diễn ra giữa chu kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp, huyết trắng có lẫn sợi máu khiến nhiều người cảm thấy lo lắng. 

Xem thêm: Ra Huyết Trắng Trước Kỳ Kinh Có Bình Thường Không?

Huyết trắng có lẫn sợi máu là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới
Huyết trắng có lẫn sợi máu là tình trạng khá phổ biến ở nữ giới

Được biết, ra huyết trắng kèm máu có thể là hiện tượng trong hoặc sau kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe sinh sản của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Nếu cảm thấy khí hư ra có sợi máu, kèm theo cảm giác đau bụng, đau âm đạo, ngứa rát, sưng vùng kín, mệt mỏi, kinh nguyệt rối loạn thì nên đi khám ngay. Bởi huyết trắng – khí hư chính là biểu hiện của sức khỏe sinh sản nên cần hết sức thận trọng. 

Nguyên nhân khiến huyết trắng có lẫn sợi máu

Huyết trắng có lẫn sợi máu có thể xuất hiện do nhiều yếu tố, phổ biến nhất có thể kể đến như:

Do yếu tố sinh lý

Thông thường, hiện tượng ra huyết trắng kèm theo máu không có gì đáng ngại nếu chúng xuất hiện do những nguyên nhân sau:

  • Kinh nguyệt còn sót lại: Nếu bạn thấy huyết trắng kèm theo máu sau 1 – 2 ngày kết thúc kỳ kinh thì cũng không nên quá lo lắng. Đây chỉ là hiện tượng máu kinh còn sót lại sau kỳ kinh và được cơ thể tống ra ngoài. 
  • Do quan hệ quá mạnh bạo: Huyết trắng có lẫn máu sau khi quan hệ có thể là do việc giao cấu quá mạnh bạo làm tổn thương “cô bé” khiến máu xuất hiện. 
  • Máu báo thai: Trong trường hợp bạn có thai, khí hư sẽ có màu hồng phớt hoặc đỏ nấu do phôi thai bám vào tử cung làm tổn thương niêm mạc. Máu báo thai không đe dọa tới thai nhi và chúng chỉ kéo dài trong vài ngày rồi biến mất. 
  • Đặt vòng tránh thai: Khi thực hiện thủ thuật đặt vòng tránh thai, có những trường hợp sẽ gặp tình trạng ra huyết trắng có lẫn ít máu. Điều này xảy ra khi vòng tránh thai bị đặt không đúng cách hoặc do cơ thể phản ứng bất thường với thủ thuật này.
  • Dùng thuốc tránh thai khẩn cấp: Loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ, làm mất cân bằng hormone sinh dục nữ hoặc khiến huyết trắng lẫn máu. Vậy nên bạn chỉ nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp khi thực sự cần thiết và theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Do bệnh mắc lý

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, tình trạng huyết trắng có lẫn sợi máu có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nguy hiểm như:

  • Viêm âm đạo cấp tính: Là bệnh lý phổ biến với dấu hiệu điển hình như huyết trắng ra nhiều, có mùi hôi. Viêm âm đạo cấp tính sẽ khiến huyết trắng loãng và có lẫn dịch như mủ, trường hợp nặng có thể thấy các sợi máu. 
  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Đây cũng là một trong những bệnh lý phổ biến và dễ bị nhầm lẫn. Ngay khi mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung, chị em sẽ thấy huyết trắng có mùi hôi, màu chuyển dần qua xanh, trắng đục và có lẫn máu. 
Huyết trắng kèm máu có thể là dấu hiệu mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung
Huyết trắng kèm máu có thể là dấu hiệu mắc bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung
  • Lạc nội mạc tử cung: Thường gặp nhiều ở chị em trong độ tuổi sinh sản hoặc phụ nữ trung niên. Nếu bị lạc nội mạc tử cung ở độ tuổi sinh sản, chị em sẽ thấy huyết trắng ra nhiều kèm hiện tượng rong kinh rong huyết. Còn ở phụ nữ trung niên, họ đã mãn kinh nên sẽ xuất hiện tình trạng máu ra cùng huyết trắng.
  • Polyp tử cung: Các triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng nên rất khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Phần lớn chị em chỉ phát hiện polyp tử cung khi tiến hành thăm khám, siêu âm. Tuy nhiên, người bệnh vẫn sẽ có hiện tượng ra nhiều huyết trắng với màu khác lạ như hơi ngả vàng hoặc có mùi, có lẫn sợi máu,… 
  • Ung thư cổ tử cung: Dấu hiệu điển hình nhất của những người mắc bệnh ung thư cổ tử cung là khí hư có lẫn sợi máu sau khi quan hệ. Thêm vào đó, lượng huyết trắng cũng có thể tăng tiết hơn so với bình thường. 
  • Bệnh xã hội: Huyết trắng có máu là bệnh gì? Huyết trắng có lẫn máu có thể là do các bệnh xã hội. Theo đó, việc quan hệ tình dục bừa bãi, không an toàn có thể khiến chị em phụ nữ mắc bệnh tình dục như bệnh lậu, giang mai,… Người mắc bệnh lý này không chỉ có cảm giác đau vùng âm đạo, tiết nhiều khí hư, vùng kín nặng mùi mà có khi huyết trắng có lẫn các sợi máu,… 

Trong một số trường hợp, hiện tượng này còn có thể là do mất cân bằng nội tiết tố, mang thai ngoài tử cung, sảy thai, hội chứng buồng trứng đa nang, nhiễm trùng, u nang buồng trứng, sản dịch sau sinh, tiền mãn kinh,…

Phương pháp chẩn đoán huyết trắng có máu

Với những bệnh nhân ra huyết trắng lẫn sợi máu, để tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện các biện pháp chẩn đoán sau:

  • Khám tử cung, vùng chậu: Lúc này bác sĩ sẽ khám vùng sinh dục bên ngoài, rồi dùng mỏ vịt để kiểm tra bên trong âm đạo, cổ tử cung để xem có gì bất thường không. 
  • Xét nghiệm beta HCG trong máu, nước tiểu: Giúp xác định tình trạng huyết trắng có máu có liên quan tới thai kỳ hay không. 

Tham khảo: Cách nhận biết huyết trắng có mùi tanh hôi

Xét nghiệm beta HCG trong máu, nước tiểu sẽ giúp xác định nguyên nhân
Xét nghiệm beta HCG trong máu, nước tiểu sẽ giúp xác định nguyên nhân
  • Kiểm tra dịch âm đạo: Nhằm xác định nguyên nhân dịch tiết âm đạo có lẫn sợi máu. 
  • Kiểm tra tế bào cổ tử cung: Phương pháp kiểm tra này sẽ được thực hiện thông qua việc quan sát trên kính hiển vi để xem các bất thường ở âm đạo, cổ tử cung, tử cung. 
  • Siêu âm cổ tử cung: Dùng sóng siêu âm thanh để xem hình ảnh tử cung, niêm mạc tử cung, 2 phần phụ nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường. 
  • Sinh thiết: Thủ thuật này sẽ được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư. Theo đó, để tiến hành sinh thiết, các bác sĩ sẽ lấy tế bào từ cổ tử cung, tử cung để kiểm tra các dấu hiệu liên quan tới căn bệnh này. 

Làm gì khi ra huyết trắng kèm máu?

Làm gì khi huyết trắng ra nhiều có lẫn các sợi máu là câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Theo đó, để biết mình cần làm gì, trước hết bạn phải nắm được nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên. Đồng thời tiến hành theo dõi và nhanh chóng tới bệnh viện kiểm tra để tìm ra nguyên nhân, cách giải quyết phù hợp. 

Sau khi tới bệnh viện thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cho bạn nếu nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý. Trường hợp là do thói quen, bạn sẽ được tư vấn, hỗ trợ để sinh hoạt lành mạnh hơn. 

Cụ thể, với những người bị bệnh viêm nhiễm phụ khoa nhẹ ở mức viêm, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn, chống viêm và làm lành các tổn thương. Các loại thuốc điều trị cần dùng theo đơn kê của bác sĩ, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng, thời gian sử dụng để tránh gặp tác dụng phụ. 

Với những trường hợp huyết trắng ra có lẫn máu do ung thư, polyp thì cần tiến hành phẫu thuật để loại bỏ. Nhìn chung, mỗi căn bệnh sẽ có những phương pháp can thiệp ngoại khoa khác nhau nhưng đều đòi hỏi tính chuyên môn, tay nghề tốt nên bạn nên lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện. 

Đọc ngay: Ra Huyết Trắng Khi Mang Thai Có Nguy Hiểm Không?

Thăm khám, kiểm tra để xác định nguyên nhân trước khi điều trị
Thăm khám, kiểm tra để xác định nguyên nhân trước khi điều trị

Cách phòng tránh trong huyết trắng có máu

Để hạn chế tình trạng ra huyết trắng có lẫn máu do các yếu tố bệnh lý hoặc do thói quen sinh hoạt không khoa học, các bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Quan hệ tình dục lành mạnh, nhẹ nhàng và nên sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục. 
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách, tuyệt đối không thụt rửa sâu vào âm đạo. 
  • Chọn mua và sử dụng các loại dung dịch vệ sinh, sữa tắm, xà phòng có nồng độ pH phù hợp, nhẹ dịu và an toàn với da. 
  • Lựa chọn quần lót đúng kích cỡ, thấm hút mồ hôi tốt, đồ lót cần thay ít nhất ngày 1 lần. Sau khi thay ra, mọi người nên giặt đồ lót ngay với dung dịch giặt riêng và phơi chúng ở nơi có nắng.
  • Hạn chế lạm dụng băng vệ sinh hàng ngày, chỉ sử dụng chúng trước ngày hành kinh hoặc sau kỳ kinh 2 – 3 ngày. 
  • Khi “rụng dâu”, chị em cần thay băng vệ sinh, tampon sau 4 – 6 tiếng sử dụng. 
  • Lên thực đơn ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm giàu vitamin và chất xơ. Đừng quên uống nhiều nước và hạn chế tối đa việc uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, đồ ăn dầu mỡ, cay nóng hay chứa nhiều chất bảo quản,…
  • Tập thể dục đều đặn, ngủ nghỉ đúng giờ, đủ giấc cũng là cách giúp bạn giảm thiểu nguy cơ bị rối loạn nội tiết tố, khiến khí hư ra nhiều và có hiện tượng khác lạ. 
  • Khám phụ khoa ngay khi có những dấu hiệu bất thường hoặc thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện các bệnh lý nếu có. 

Huyết trắng có lẫn sợi máu phần lớn đều là dấu hiệu cho thấy những bất thường ở cơ quan sinh dục nữ. Vì thế, ngay khi phát hiện tình trạng này, bạn nên chủ động tới bệnh viện thăm khám, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị sớm. 

Có thể bạn chưa biết:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *