Xét nghiệm suy thận gồm những gì?- Thông tin bạn cần biết!

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Xét nghiệm suy thận là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán, định hướng điều trị bệnh suy thận từ giai đoạn sớm. Nhờ đó, người bệnh có thể điều trị hiệu quả, cải thiện chất lượng sống tốt hơn, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng.

Xét nghiệm suy thận là gì?

Thận đóng vai trò như một màng lọc của cơ thể giúp loại bỏ chất thải và các dịch thừa trong máu. Bệnh suy thận xuất hiện khi chức năng lọc máu của thận bị giảm sút, thậm chí là mất hoàn toàn. Chất thải tồn dư theo máu di chuyển đến các cơ quan gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe.

xet nghiem suy than
Xét nghiệm suy thận là cơ sở quan trọng để bác sĩ đưa ra chẩn đoán và định hướng điều trị cho bệnh nhân

Xét nghiệm suy thận là tổng hợp các kỹ thuật cho phép xác định lượng chất dư thừa trong máu hoặc nước tiểu. Các chỉ số xét nghiệm suy thận giúp bác sĩ nắm được mức độ lọc máu hiện tại của thận và các nguy cơ với sức khỏe của bệnh nhân. Đây cũng là cơ sở để xây dựng phác đồ điều trị cho bệnh nhân sau đó.

Chỉ số tiêu chuẩn khi xét nghiệm suy thận

Nhiều bệnh nhân băn khoăn không biết cần làm xét nghiệm gì để biết suy thận? Các bác sĩ cho biết, có 4 loại xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán suy thận, bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết thận.

Dưới đây là thông tin chi tiết về 4 loại xét nghiệm này.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu có biết suy thận không là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Thực tế cho thấy, kết quả xét nghiệm hóa sinh máu là cơ sở quan trọng để bác sĩ chẩn đoán suy thận.

Cụ thể, các chỉ số xét nghiệm máu quan trọng bao gồm:

  • Chỉ số Ure máu: Ure là sản phẩm thoái hóa từ protein được lọc ra khỏi cơ thể bởi cầu thận thông qua đường nước tiểu. Nồng độ của Ure trong máu người bình thường dao động trong khoảng 2.5 – 7.5 mmol/l. Bệnh nhân có nguy cơ suy thận khi chỉ số Ure máu tăng cao quá ngưỡng.
xet nghiem suy than
Chỉ số Creatinin huyết thanh tăng cao trong các trường hợp suy thận
  • Chỉ số Creatinin huyết thanh: Creatinin là chất thoái hóa từ creatin trong cơ và được đào thải qua thận. Khi chức năng thận suy giảm, creatinin ứ lại nhiều hơn trong huyết thanh. Do đó, chỉ số nồng độ creatinin huyết thanh càng cao thì mức độ suy thận càng lớn. Ngưỡng giá trị creatinin bình thường ở nam là 0.6 -1.2 mg/dl và nữ là 0.5 – 1.1 mg/dl.
  • Xét nghiệm độ kiềm toan máu: Ở bệnh nhân suy thận, khả năng lọc thải các acid trong máu bị giảm sút khiến độ toan của máu tăng cao. Thông thường, pH máu ổn định ở mức 7,37 – 7,43. Nếu chỉ số này thấp hơn, bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh nhân bị suy thận.
  • Chỉ số Protein huyết tương toàn phần: Màng lọc cầu thận bị tổn thương là nguyên nhân gây giảm protein huyết tương. Nồng độ protein huyết tương trong máu người bình thường nằm trong khoảng 60 – 80 g/L.
  • Chỉ số Albumin huyết thanh: Chỉ số albumin huyết thanh bình thường dao động trong khoảng 35 – 50 g/L. Khi người bệnh mắc các bệnh về cầu thận, chỉ số này sẽ bị giảm mạnh.
  • Chỉ số điện giải: Nồng độ bình thường của các chất điện giải Natri, Kali, Canxi trong cơ thể lần lượt là, 135 -145 mmol/L, 3,5- 4,5 mmol/L, 2,2 – 2,6  mmol/L. Chức năng thận suy giảm là nguyên nhân khiến Natri máu giảm, Kali và Canxi máu tăng.

Xét nghiệm nước tiểu

Chất lượng nước tiểu là yếu tố phản ánh trực tiếp chức năng thận. Có 2 loại xét nghiệm nước tiểu phổ biến bao gồm: Xét nghiệm protein niệu và tổng phân tích nước tiểu.

  • Xét nghiệm protein niệu: Chỉ số này được xác định trong vòng 24h. Ở người khỏe mạnh, protein niệu chỉ dao động trong khoảng 0 – 0.2g/l/24h. Khi cầu thận bị tổn thương, chức năng thận suy giảm hoặc mắc các bệnh liên quan tới chức năng thận, nồng độ protein có thể tăng cao, thường vượt mức 0.3g/l/24h.
  • Tổng phân tích nước tiểu: Ở người bình thường, tỷ trọng nước tiểu dao động trong mức 1,01 – 1,020. Khi bị suy thận, các chất thải từ máu không được đưa ra nước tiểu khiến tỷ trọng nước tiểu bị giảm.

Chẩn đoán hình ảnh

Bên cạnh các chỉ số sinh hóa, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng được sử dụng phổ biến trong các xét nghiệm suy thận. Các máy móc hiện đại cho phép mô phỏng lại hình ảnh thận của bệnh nhân. Thông qua đó, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện các vấn đề bất thường.

Một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh phổ biến khi thăm khám suy thận gồm có:

xet nghiem suy than
Siêu âm ổ bụng giúp phát hiện tình trạng tắc nghẽn niệu quản khiến thận bị ứ nước
  • Siêu âm ổ bụng: Phương pháp này giúp phát hiện các trường hợp tắc nghẽn niệu quản khiến thận bị ứ nước. Trường hợp ứ nước 2 bên thận, người bệnh có thể bị suy thận cấp hoặc mãn tính. Ngoài ra, siêu âm còn cho phép xác định các nang thận bẩm sinh, sỏi thận, khối u hay cấu trúc bất thường của thận (kích thước nhỏ, nhiều nang, mất phân biệt vỏ tủy,… ).
  • Chụp CT bụng: Là phương pháp tái tạo hình ảnh hệ tiết niệu bằng tia X. Kỹ thuật này thường áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Chụp xạ hình bằng đồng vị phóng xạ: Đây là phương pháp duy nhất có thể đánh giá chức năng của từng bên thận. Bác sĩ có thể quan sát được khả năng lọc của thận, tỷ lệ tưới máu và đưa ra đánh giá về chức năng thận.

Sinh thiết thận

Sinh thiết thận là kỹ thuật chẩn đoán được áp dụng trong các trường hợp: suy thận cấp nội tại, ung thư thận, viêm kẽ thận, viêm mô giữa ống thận, hoại tử ống thận cấp, chết mô thận, viêm cầu thận,…

Tìm hiểu ngay

Ung thư thận là gì? Các giai đoạn bệnh và hướng điều trị

Để áp dụng kỹ thuật này, bác sĩ cần lấy một mẫu bệnh phẩm từ thận làm thành tiêu bản soi dưới kính hiển vi. Dựa trên hình ảnh phóng đại thu được, bác sĩ sẽ phát hiện ra những tế bào bất thường trong từng trường hợp và đưa ra kết luận.

Trên thực tế, bạn không cần quá lo lắng về việc cần làm xét nghiệm gì để biết suy thận. Vấn đề này sẽ được bác sĩ chỉ định và hướng dẫn trong quá trình thăm khám. Thay vào đó, bạn hãy lưu tâm hơn đến những yếu tố cá nhân để hạn chế sai sót trong khi thực hiện xét nghiệm suy thận.

Lưu ý khi làm xét nghiệm suy thận

Một số thói quen của người bệnh có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm suy thận. Điều này khiến bác sĩ đưa ra phán đoán sai khiến cho bệnh nhân lo lắng, hoang mang hoặc không điều trị bệnh kịp thời.

Để tránh sai sót khi xét nghiệm suy thận, bạn cần lưu ý một số thông tin dưới đây:

  • Bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc ức chế thụ thể H2 hay kháng sinh. Những thuốc này có thể làm tăng creatinin, gây sai số khi xét nghiệm suy thận.
  • Hãy tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Với mẫu bệnh như nước tiểu, người bệnh sẽ phải tự lấy mẫu. Do đó, hãy nghe theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây ra sai sót.
xet nghiem suy than
Bạn cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế sai sót trong quá trình xét nghiệm suy thận
  • Bạn nên vệ sinh vùng kín trước khi thực hiện xét nghiệm suy thận.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang điều trị các bệnh lý đường sinh dục bằng thuốc điều trị tại chỗ.
  • Không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc vùng kín khi đi xét nghiệm suy thận. Những hóa chất trong đó có thể trở thành yếu tố gây sai lệch kết quả xét nghiệm.
  • Bạn nên thực hiện xét nghiệm ở các cơ sở y tế lớn. Những đơn vị này sở hữu đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. Điều này giúp hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình khám bệnh.

Trên đây là những chia sẻ chi tiết về xét nghiệm suy thận. Hy vọng, bài viết sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và thực hiện phương pháp xét nghiệm phù hợp. Mọi thắc mắc trong quá trình xét nghiệm, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để nhận được tư vấn chính xác.

Xem ngay

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *