Chu Kỳ Kinh Nguyệt Không Đều: Nguyên Nhân Và Cách Chữa

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Với chị em phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt không đều gây ra rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, chị em cần làm gì để khắc phục? Hãy cùng đón đọc bài viết sau đây của Nhất Nam Y Viện để tìm được câu trả lời chính xác.

Tìm hiểu chu kỳ kinh nguyệt không đều là gì?

Phụ nữ mỗi tháng sẽ trải qua 1 chu kỳ kinh nguyệt, chị em thường gọi vui là “rụng dâu” hoặc “ngày đèn đỏ”. Kinh nguyệt xuất hiện thể hiện sự thay đổi về tâm sinh lý ở nữ giới, nó bắt đầu khi dậy thì và kết thúc ở thời kỳ mãn kinh của chị em.

Kinh nguyệt là tình trạng âm đạo chảy máu, dựa theo sự vận hành của tử cung, buồng trứng. Đây là hiện tượng bình thường và diễn ra theo một vòng tuần hoàn, cụ thể:

  • Một chu kỳ bình thường diễn ra trong 25 – 32 ngày, tính từ ngày đầu tiên máu chảy ra từ âm đạo cho đến ngày đầu tiên của chu kỳ kế tiếp (trong vòng 1 tháng).
  • Ngày hành kinh thường kéo dài từ 3 – 7 ngày tùy cơ địa của mỗi người, tính từ ngày âm đạo bắt đầu chảy máu.
chu ky kinh nguyet khong deu
Chu kỳ kinh nguyệt không đều là tình trạng ngày kinh xuất hiện quá sớm hoặc quá muộn

Chu kỳ kinh nguyệt như trên được gọi là bình thường, ổn định và sức khỏe phụ khoa cũng ít khi gặp vấn đề. Ngược lại nếu kỳ kinh đến quá sớm, quá muộn, không theo quy luật trên thì gọi là chu kỳ kinh nguyệt không đều. Ngoài ra, tình trạng này còn thể hiện bằng việc ngày hành kinh của  bạn quá dài hoặc quá ngắn.

Xem thêm

Các loại kinh nguyệt không đều

Dựa theo thời gian có kinh, lượng máu kinh trong mỗi kỳ kinh, chù kỳ mỗi kỳ… mà chúng ta có thể chia thành các loại như sau:

  • Chậm kinh: Hiện tượng hành kinh đến muộn hơn bình thường, cụ thể là quá 7 ngày.
  • Kinh sớm: Kinh đến sớm hơn ngày dự định, thường là đến sớm hơn 7 ngày trở lên.
  • Kinh thưa: Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, vượt quá 35 ngày, khoảng cách giữa 2 kỳ kinh có thể là 2 – 5 tháng.
  • Rong kinh: Máu kinh ra nhiều, kéo dài trong nhiều ngày, cụ thể là 10 ngày trở lên.
  • Vô kinh: Trong vòng 6 tháng đến 1 năm bạn không thấy kinh xuất hiện. Với người trên 35 tuổi thì nếu không có kinh trong 3 tháng đã được coi là vô kinh.
  • Cường kinh: Máu ra nhiều và ồ ạt, kéo dài trên 7 ngày khiến chị em phải thay băng vệ sinh, tampon liên tục.
  • Thiểu kinh: Lượng máu kinh ra ít bất thường, thời gian ra máu chỉ từ 1 – 1,5 ngày.

Tại sao chu kỳ kinh nguyệt không đều ở phụ nữ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, thậm chí những yếu tố nhỏ như thiếu ngủ, ăn uống không đủ chất cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nguyên nhân ngoại cảnh

Các yếu tố ngoại cảnh như môi trường sống, tâm lý, thức khuya… có thể khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt, khiến kinh nguyệt không đều.

chu ky kinh nguyet khong deu
Các yếu tố liên quan đến lối sống, công việc, tâm trạng… có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Do nội tiết tố: Hệ nội tiết đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới. Nó bao gồm estrogen và progesterone. Nếu nội tiết tố mất cân bằng thì chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ bị rối loạn theo.
  • Nữ giới dậy thì: Tuổi dậy thì rất dễ bị chu kỳ kinh nguyệt không đều. Lý do là bởi 2-3 năm đầu có kinh, hoạt động nội tiết của buồng trứng, tuyến yên, vùng dưới đồi chưa trưởng thành, dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, không theo chu kỳ.
  • Phụ nữ mang thai: Mang thai khiến niêm mạc tử cung dày hơn để cho trứng đã thụ tinh vào làm tổ. Vậy nên trong giai đoạn này nữ giới sẽ mất kinh, sau sinh 1 – 2 tháng hoặc lâu hơn mới có lại.
  • Phụ nữ sau sinh: Sau sinh cơ thể phụ nữ có nhiều hormone prolactin. Đây là chất giúp sản xuất sữa mẹ và ngăn  sự rụng trứng, vậy nên các chị em đang cho con bú thường mất kinh từ 3-6 tháng. Một số trường hợp chỉ có kinh sau khi con ngừng bú.
  • Phụ nữ tiền mãn kinh: Ở giai đoạn tiền mãn kinh chức năng buồng trứng đã suy giảm nên nội tiết tố sản xuất ít hơn. Điều này làm rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt thậm chí không đến nữa.
  • Stress, mệt mỏi kéo dài: Thường xuyên lo lắng, căng thẳng sẽ làm tuyến thượng thận sản xuất nhiều hormone cortisol. Điều này làm gián đoạn quá trình sản xuất nội tiết tố và khiến kinh nguyệt đến quá nhanh hoặc chậm.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Ăn uống không đủ chất khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng, làm gián đoạn quá trình sản xuất estrogen nên kinh nguyệt không đều.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc tuyến giáp, thuốc tránh thai, thuốc hóa trị, thuốc chống trầm cảm, thuốc động kinh…. đều có thể là nguyên nhân chu kỳ kinh nguyệt không đều, thậm chí làm chị em bị đau bụng dữ dội trong thời gian hành kinh.

Xem thêm

Nguyên nhân bệnh lý

Các bệnh phụ khoa thường liên quan đến hoạt động của tuyến yên, vùng dưới đồi và buồng trứng. Chúng làm ảnh hưởng đến nội tiết nữ giới, khiến kinh nguyệt bị rối loạn, cụ thể:

  • Đa nang buồng trứng: Đây là bệnh lý do sự gia tăng bất thường của hormone androgen, từ đó khiến quá trình phát triển nang noãn bị gián đoạn. Các buồng trứng có nhiều nang nhỏ không thể trưởng thành nên không thể rụng trứng nên khiến chị em không có kinh hoặc ra nhiều máu hơn trong ngành có kinh.
  • Ung thư cổ tử cung: Việc âm đạo chảy máu bất thường hoặc kinh nguyệt đến không đều có thể là biểu hiện của ung thư cổ tử cung.
  • U xơ tử cung: Các khối u xuất hiện trong tử cung khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt, máu có thể ra nhiều hơn kèm đau bụng, đau lưng, đau xương chậu dai dẳng.
  • Viêm cổ tử cung: Viêm cổ tử cung sẽ khiến chức năng của cổ tử cung bị xáo trộn, chị em thấy đau nhức vùng bụng dưới, kinh nguyệt đến không đều.
chu ky kinh nguyet khong deu
Rất nhiều bệnh lý phụ khoa khiến kinh nguyệt không đều
  • Bệnh tuyến giáp: Bệnh suy giáp làm chu kỳ kinh nguyệt dài hơn, máu ra nhiều hơn và những cơn đau bụng quặn thắt xuất hiện. Ngược lại, cường giáp khiến chu kỳ kinh ngắn, máu kinh ra cũng ít hơn.
  • Lạc nội mạc tử cung: Lúc này tế bào nội mạc tử cung bị bong tróc, nó đi lạc vào các bộ phận khác như vòi trứng, phúc mạc, buồng trứng, niệu quản… Từ đó khiến phụ nữ bị ra máu kinh nhiều bất thường, đau bụng kéo dài, kinh nguyệt không đều.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều có sao không, ảnh hưởng gì?

Rất nhiều chị em phụ nữ cho rằng kinh nguyệt không đều là điều bình thường và chủ quan trong điều trị. Tuy nhiên hiện tượng này có thể là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa và có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường.

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Như đã thông tin, chu kỳ kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu của bệnh phụ khoa, làm giảm khả năng mang thai.
  • Dễ bị vô sinh: Rối loạn kinh nguyệt khiến bạn khó tính ngày rụng trứng, khả năng đậu thai thấp, ngoài ra một số trường hợp không rụng trứng còn không thể mang thai.
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt: Kinh nguyệt không đều gây đau bụng, rong kinh,… khiến bạn mệt mỏi, gián đoạn các hoạt động hàng ngày, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống.
  • Ảnh hưởng đến nhan sắc: Mất cân bằng nội tiết tố không chỉ làm chu kỳ kinh nguyệt không đều mà còn khiến nhan sắc suy giảm, chị em trông mệt mỏi, thiếu sức sống, người xanh xao và yếu ớt.
  • Bị thiếu máu: Nếu bị rong kinh, lượng máu kinh chảy ra nhiều sẽ khiến phụ nữ bị tụt giảm hồng cầu, cơ thể mệt mỏi, dễ ngất xỉu.
chu ky kinh nguyet khong deu
Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của chị em

Xem thêm

Gợi ý cách chữa chu kỳ kinh nguyệt không đều

Khi bị kinh nguyệt không đều do yếu tố ngoại cảnh, bạn chỉ cần thay đổi lối sống, ăn uống đủ chất là tình trạng này có thể cải thiện được. Tuy nhiên nếu do bệnh lý thì bạn cần đi khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Một số cách chữa tại nhà

Nhất Nam Y Viện gửi đến bạn một số biện pháp đơn giản giúp cải thiện tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều như sau:

  • Trong chế độ ăn uống hàng ngày hãy ăn đủ dinh dưỡng, ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, các vitamin, khoáng chất để giữ cơ thể luôn khỏe, hệ nội tiết ổn định.
  • Tinh thần hãy luôn thoải mái, tránh stress kéo dài, áp lực thường xuyên, có thể nghe nhạc, xem phim để giải tỏa stress.
  • Nếu cần tránh thai hãy dùng bao cao su, thuốc tránh thai khẩn cấp có thể làm rối loạn kinh nguyệt.
  • Mỗi ngày nên tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút để giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể.
  • Xây dựng lịch làm việc điều độ, tránh ngủ muộn, ngủ không đủ giấc, không làm việc quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Hạn chế dùng các chất kích thích, thuốc lá, đồ có cồn, thay vào đó nên uống nước lọc (mỗi ngày 2 lít) để hệ cơ quan hoạt động ổn định.
  • Không nên tăng hoặc giảm cân quá nhanh, hãy để cơ thể từ từ thích nghi với các thay đổi.
chu ky kinh nguyet khong deu
Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là 1 cách giúp cải thiện tình trạng này

Dùng thảo dược chữa kinh nguyệt không đều

Một số thảo dược tự nhiên có thể giúp cải thiện sức khỏe, chữa trị kinh nguyệt không đều và giảm đau bụng trong kỳ kinh cực tốt. Bạn có thể tham khảo:

  • Ngải cứu: Ngải cứu là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe bởi tính ấm, cay, lưu thông máu tốt và có thể xử lý tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Bạn có thể dùng ngải cứu sắc cùng với nước uống mỗi ngày hoặc ăn ngải cứu nấu với trứng gà để điều hòa kinh nguyệt.
  • Củ gừng: Gừng có thể giúp làm ấm cơ thể, máu lưu thông tốt, chữa đau bụng, chậm kinh và tắc kinh rất tốt. Bạn có thể dùng gừng cạo sạch vỏ, đem đập dập và đun cùng nước, mỗi ngày uống 3 lần sau khi ăn để cải thiện chu kỳ kinh.
  • Ích mẫu: Ích mẫu là thảo dược tốt cho sức khỏe, đặc biệt với chị em bị chậm kinh, kinh không đều. Bên cạnh đó, chị em nào bị đau bụng kinh thường xuyên thì đây cũng là dược liệu rất tốt. Bạn có thể dùng ích mẫu nấu cùng huyền hồ và trứng gà nấu cùng, trứng dùng ăn còn phần nước dùng để uống mỗi ngày.

Chữa kinh không đều do các bệnh phụ khoa

Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều do bệnh phụ khoa thì bạn cần đi khám tại các cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ làm một vài xét nghiệm, siêu âm, chụp chiếu… để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và đưa ra cách chữa phù hợp.

Mỗi bệnh phụ khoa sẽ có 1 cách chữa khác nhau, cụ thể như sau:

  • Do đa nang buồng trứng: Hiện chưa có cách chữa cụ thể nên bác sĩ sẽ chỉ sử dụng các loại thuốc giúp giảm các triệu chứng khó chịu cho bạn.
  • Do u xơ tử cung: Sử dụng thuốc, bóc tách u xơ, phẫu thuật cắt bỏ u xơ. Ngoài ra có thể cắt bỏ tử cung nếu phụ nữ không còn muốn sinh con.
  • Do suy giáp: Sử dụng thuốc thay thế hormone tổng hợp tuyến giáp với lượng phù hợp mỗi ngày, không lạm dụng dùng liều cao vì dễ bị biến chứng.

Viêm cổ tử cung và lạc nội mạc tử cung sẽ được điều trị, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm đau, giảm khó chịu, tránh tình trạng viêm nhiễm.

chu ky kinh nguyet khong deu
Với các bệnh phụ khoa, bạn nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị

Xem thêm

Một số câu hỏi thường gặp về chu kỳ kinh nguyệt không đều

Dưới đây là một số câu hỏi được nhiều chị em phụ nữ thắc mắc khi gặp tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Cách tính ngày rụng trứng khi chù kinh nguyệt không đều như thế nào?

Với chị em bị rối loạn kinh nguyệt, cách tính ngày rụng trứng như sau:

  • Chu kỳ từ 26 – 30 ngày: Thời điểm rụng trứng sẽ là ngày thứ 12 – 16 của chu kỳ.
  • Chu kỳ 32 ngày: Chu kỳ này dì hơn chu kỳ chuẩn (28 ngày) là 4 ngày nên thời điểm rụng trứng có thể là ngày thứ 18 của chu kỳ.
  • Với chu kỳ 35 – 40 ngày: Thời điểm rụng trứng có thể là 21 hoặc 26 của chu kỳ kinh nguyệt.

Bé gái kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì có sao không?

Câu trả lời là không. Tuổi này các bé gái đang phát triển và hoàn thiện dần vậy nên việc kinh đến quá sớm, đến quá muộn không phải là vấn đề. Sau 3 – 4 năm, thậm chí 5 năm, chu kỳ mới ổn định. Lúc này nếu vẫn còn bị rối loạn kinh nguyệt thì nên đưa bé đi khám bác sĩ.

Kinh nguyệt không đều có thai không?

Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thai không là thắc mắc của nhiều chị em. Thực tế cho thấy chị em hoàn toàn có thể đậu thai dù kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên so với người kinh nguyệt đều thì khả năng này thấp hơn, chị em khó mang thai hơn. Lý do là bởi kinh nguyệt không đều khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc tính ngày rụng trứng. Mà tinh trùng và trứng không gặp được nhau thì rất khó có thể đậu thai.

chu ky kinh nguyet khong deu
Chu kỳ kinh nguyệt không đều có thai không là thắc mắc của nhiều chị em

Chu kỳ kinh nguyệt không đều là vấn đề khá nghiêm trọng tuy nhiên nhiều chị em thường bỏ qua, không chú ý. Thực tế tình trạng này có thể gây ra rất nhiều hệ lụy khó kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Chính vì vậy bạn cần quan tâm đến vấn đề này hơn và cần đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *