Đặc Sản Rượu Làng Vân – Thức Uống Nổi Tiếng Bắc Giang

Theo dõi Nhất Nam Y Viện trên goole news

Rượu làng Vân đã xuất hiện từ khá lâu, từ thời của các vị vua ngày xưa. Đây được mệnh danh là “mỹ tửu dân gian” có hương vị rất tao nhã, êm nồng với vị ngọt thơm của hương lúa nếp ủ nắng gió miền đất trung du. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Nhất Nam Y Viện tìm hiểu chi tiết về loại rượu này. 

Rượu làng Vân là gì?

Rượu làng Vân được nhận xét là một loại rượu nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam, được xếp vào top 12 loại rượu ngon nhất đất Việt. Sở dĩ được gọi là rượu làng Vân bởi đây là rượu có nguồn gốc từ làng Vân, ấp Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Mặc dù đây là một vùng quê mang nhiều nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ nhưng lại không có ruộng. Người dân ở đây không cấy lúa mà sống hoàn toàn dựa vào nghề thủ công, giao thương với các vùng địa phương lân cận, nổi bật nhất trong đó là nghề nấu rượu.

Xem thêm

ruou lang van
Rượu làng Vân được nhận xét là một loại rượu nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam

Theo lưu truyền trong sách cổ, tổ tiên của nghề nấu rượu làng Vân là Bà Nghi Đình. Công thức nấu rượu này được lấy từ Trung Quốc về Việt Nam. Để có thể giữ vững được nghề gia truyền, người trong làng này đều phải thề rằng sẽ không để cách nấu rượu lọt ra ngoài. Không những thế, trong nhà, nghề nấu rượu chỉ truyền nghề cho con trai và con dâu, còn con gái thì không vì sẽ được gả sang làng khác.

Trong lịch sử, rượu Làng Vân là loại rượu thường xuyên được tiến cung cho các vị vua chúa, để sử dụng trong các bữa tiệc hoàng gia. Vào năm 1703, vua Lê Hy Tông đã tặng cho đặc sản rượu Làng Vân 4 chữ “Hương Vân Hương Mỹ Tửu”. Cho đến thời Pháp thuộc, người Pháp ở Việt Nam cũng đặc biệt yêu thích loại rượu này. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đặc sản rượu làng Vân còn được “xứ tuyết trắng” – Liên Xô mệnh danh là vodka của Việt Nam.

Xem thêm

Cách nấu rượu làng Vân

Để có được một chai rượu làng Vân chất lượng tuyệt đối, người làm phải trải qua 4 bước sau đây:

Bước 1 – Lựa chọn gạo và men

Gạo để làm rượu phải là loại gạo nếp cái hoa vàng (gạo nếp ả). Đây là một trong những loại gạo nếp dẻo, thơm và chỉ xuất hiện ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Gạo nếp cái hoa vàng đặc trưng bởi bông màu vàng chứ không trắng như những giống lúa khác. Hạt gạo tròn, đều và chắc mẩy, khi nấu sẽ có độ dẻo nhất định và hương thơm quyến rũ. Còn loại men dùng ủ rượu là loại men bí truyền, được kết hợp từ 36 loại thuốc bắc khác nhau.

ruou lang van
Gạo để làm rượu làng Vân phải là loại gạo nếp cái hoa vàng

Bước 2 – Ủ lên men

Sau khi chọn xong gạo nếp cái hoa vàng thì cần trải qua bước sàng lọc, nhặt sạn và  loại bỏ hết tạp chất. Sau đó đem đi vo gạo, chờ cho đến khi gạo ráo nước thì đồ xôi. Quá trình này cần nhiều sự tỉ mỉ, đồ xôi cần đạt đủ thời gian trong 20-30 phút. Sau đó tắt lửa và để nồi xôi nguội hẳn và tiếp tục đồ thêm một lần nữa.

Xôi sau hai lần đồ chín thì để cho nguội và bắt đầu cho men đã giã nhuyễn rắc đều lên toàn bộ. Xôi khi trộn men xong sẽ được lên men hoàn toàn tự nhiên. Quá trình ủ lên men như sau:

  • Cho xôi vào trong thúng đậy kỹ lại, để ở nơi không có ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và độ ẩm vừa phải. Ủ như vậy trong từ 8-10 tiếng. Quá trình này gọi là ủ kín.
  • Sau khoảng thời gian trên, cho toàn bộ xôi và men ra rổ có lỗ thoáng, để ở nơi thoáng mát và có ánh sáng. Đây được gọi là quá trình ủ thoáng và người dân sẽ tiến hành ủ như vậy liên tục trong khoảng 24 tiếng.
  • 1 ngày sau, người dân cho tất cả nguyên liệu vào bình sứ, niêm kín miệng và để ở nơi không có ánh sáng trong 3 ngày.
  • Sau 3 ngày thì cho vào một loại nước thuốc độc quyền của Làng Vân dùng để ủ rượu, bịt kín miệng bình và tiếp tục để chỗ tối để ngâm ủ thêm từ 5-7 ngày.

Bước 3 – Chưng cất

Phương pháp chưng cất rượu của người dân làng Vân là phương pháp truyền thống. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều người dân đã dùng phương pháp chưng cất công nghiệp hiện đại hơn để đạt nhanh hiệu quả nhưng vẫn giữ được nguyên mùi vị vốn có ban đầu. Bởi bí quyết để làm ra danh tửu này là từ các loại men và nước thuốc dùng để ngâm ủ. Chính vì vậy, nếu đã ủ thành công thì chưng cất bằng phương pháp nào cũng không ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm.

ruou lang van
Phương pháp chưng cất rượu của người dân làng Vân là phương pháp truyền thống

Bước 4 – Hạ thuỷ trong thổ

Rượu sau quá trình chưng cất sẽ trải qua quá trình lọc rượu để loại bỏ những váng rượu, nhờ đó mà rượu sẽ trong hơn. Sau khi lọc rượu thành công thì sẽ đến bước hạ thổ. Hạ thủy trong thổ được hiểu đơn giản là chôn rượu xuống dưới đất. Rượu sau khi lọc vào các bình sẽ niêm miệng bình thật kín, đào hố và cho các bình sứ này xuống sau đó lấp đất lại. Thời gian chôn cất tối thiểu là 1 năm với độ ẩm từ 28-30 độ để rượu đạt được độ tinh khiết nhất có thể.

Xem thêm

Bảng giá rượu làng Vân

Để thưởng thức đặc sản rượu chính tông, bạn nên ghé qua chính tại làng Vân – quê hương của rượu để được thưởng thức. Nơi đây có rất nhiều cửa hàng bán rượu, theo chai sẵn với nhiều dung tích để lựa chọn. Không những thế, hiện nay làng còn ra đời thêm một số loại rượu khác như rượu Làng Vân ngâm cùng thảo dược như nhân sâm, mật gấu, rắn hổ mang, nhung hươu,… để bồi bổ sức khỏe.

Để sở hữu được một bình rượu làng Vân 500ml, bạn sẽ chỉ phải chi trả khoảng 300.000 VNĐ. Đây là một mức giá tương đối phải chăng để được thưởng thức một “mỹ tửu” như này.

Trên đây là tất cả thông tin có liên quan đến rượu làng Vân mà Trung Tâm Dược Liệu muốn gửi đến độc giả. Với tính dân dã, khẩu vị phù hợp và giá thành hợp lý, đây chắc chắn là một sản phẩm phù hợp để làm quà tặng cho người thân, bạn bè để lưu giữ nét đẹp truyền thống lâu đời của người Việt ta.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *